Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) về tình trạng xuống cấp đạo đức, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức và đặc biệt là căn bệnh vô cảm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận đúng là có hiện tượng vô cảm trong giải quyết công việc.

Mong muốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân đòi hỏi phải có sự đồng cảm giữa cán bộ công chức của các cơ quan công quyền để giải quyết công việc cho người dân. Ví như trong vấn đề đất đai, cán bộ công chức phải đặt vị trí của mình là người đi xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất; hay người thầy thuốc, y bác sĩ phải đặt mình trong tình trạng của bệnh nhân. Tuy nhiên trong tình hình thực tế thực hiện mong muốn này rất khó bởi nó thuộc phạm trù đạo đức; trong khi các văn bản pháp luật chỉ điều chỉnh có mức độ đối với vấn đề đạo đức.

anh_binh_jpg_tr_tglp.jpg
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Quang Dũng.
Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cán bộ công chức phải có ý thức trách nhiệm cao trong công việc. Trước hết phải thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình trong thực thi công vụ. Đòi hỏi này mang tính nguyên tắc đối với cán bộ công chức khi thực hiện nhiệm vụ trong thực thi công vụ. Pháp luật cũng có những quy định cấm cán bộ công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, hách dịch nhân dân; Thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật chính là chống lại căn bệnh vô cảm.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng nêu rõ, vì căn bệnh vô cảm thuộc phạm trù đạo đức nên phải tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đặc biệt phải thực hiện cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để mỗi cán bộ công chức, viên chức phải tu dưỡng về phẩm chất đạo đức của người cán bộ cách mạng để nâng cao trình độ năng lực xây dựng cho mình tư tưởng hết lòng phụng sự đất nước.

“Thực hiện được những yêu cầu trên, tôi tin chắc sẽ có sự chuyển biến tích cực, chống được căn bệnh vô cảm của một số cán bộ, công chức”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.

"Cán bộ thuộc diện Thủ tướng quản lý không có ai được kéo dài tuổi nghỉ hưu"

Về tình trạng kéo dài tuổi nghỉ hưu trái luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, các quy định về tuổi nghỉ hưu và kéo dài thời gian công tác đối với cán bộ công chức, viên chức được quy định bởi nhiều văn bản luật: Bộ luật lao động, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và do nhiều cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục-Đào tạo.

Số lượng cán bộ công chức kéo dài tuổi nghỉ hưu sau khi Bộ có chất vấn của đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà đã đôn đốc, nhắc nhở các địa phương. Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng vấn đề này còn thuộc thẩm quyền của tỉnh, thành phố. Bộ Nội vụ cũng đã vào cuộc có công văn gửi tới các ban ngành, cơ quan trung ương.

Qua tổng hợp của 26 bộ ngành, 54 địa phương, 22 tập đoàn, đến thời điểm này có khoảng 110 trường hợp kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên trong số này đa phần được điều chỉnh theo Nghị định 141 là cán bộ giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, còn cán bộ công chức làm công tác quản lý và các chức danh hành chính để chuẩn bị bước đệm nên phải kéo dài thời gian.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: Đến thời điểm này, cán bộ thuộc diện Thủ tướng Chính phủ quản lý không có trường hợp nào kéo dài tuổi nghỉ hưu. Bộ đã làm tham mưu cho Thủ tướng kiên quyết về vấn đề này./.