Hôm nay (30/4), kết thúc Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 4 (IMM4) các nước Tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống buôn bán người (gọi tắt là Tiến trình COMMIT), diễn ra tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, Hội nghị đã ra Tuyên bố chung về hợp tác phòng, chống mua bán người.

Tuyên bố khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ các nước trong khu vực nhằm đẩy lùi và ngăn chặn nạn buôn bán người – loại tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia đe dọa an ninh, ổn định và phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.

1_nuiw.jpgPhó Thủ tướng Campuchia Sar Kheng phát biểu tại hội nghị

Tiến trình COMMIT là một sáng kiến của liên Chính phủ sáu nước khu vực tiểu vùng sông Mê Công (GMS) gồm Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tiến trình COMMIT thực hiện từ năm 2004 thông qua Bản ghi nhớ được ký tại Yangon, Myanmar và các Kế hoạch hành động giai đoạn 2004 – 2006, giai đoạn 2007 – 2011, giai đoạn 2011 – 2014 về hợp tác chống lại nạn mua bán người.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn. 

Toàn cảnh Hội nghị tại Campuchia

Với chủ đề “Cam kết khu vực chấm dứt nạn buôn bán người thông qua tinh thần đoàn kết và sáng tạo”, Hội nghị đã tập trung thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm qua 10 năm (2004 – 2014) hợp tác COMMIT; thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2015 – 2018 và ký Tuyên bố chung các nước Tiểu vùng sông Mê Công về hợp tác phòng, chống buôn bán người.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Sar Kheng đánh giá cao những thành quả mà các nước trong khu vực đã đạt được trong lĩnh vực phòng, chống nạn buôn bán người, đồng thời cho rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước là biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, muốn đạt được kết quả tốt trong công tác phòng chống, đẩy lùi tội phạm, trong đó có tội phạm buôn bán người cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước. Đặc biệt các nước nghèo có nhiều lao động, vì các đối tượng buôn bán người thường hoạt động mạnh ở những nước này. Đồng thời việc giáo dục nhận thức cho từng gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống buôn bán người.

Hội nghị cũng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các nghiên cứu trong vấn đề sức khỏe của lao động di cư; những giải pháp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức, các diễn đàn khác trong khu vực về phòng, chống buôn bán người như diễn đàn ASEAN; sự tham gia của doanh nghiệp, hội nghề nghiệp trong phòng, chống mua bán người.

Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lê Quý Vương phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ giữ vững quan điểm thực hiện Tiến trình COMMIT song song với thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020.

Để phối hợp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tiến tới loại bỏ tội phạm này, Thứ trưởng mong muốn các tổ chức của Liên Hợp Quốc tiếp tục làm tốt hơn vai trò điều phối, kết nối và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các nước COMMIT và các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế về phòng, chống mua bán người. Các nước thành viên COMMIT cần tăng cường hơn nữa cơ chế hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin về phòng, chống mua bán người, đảm bảo mọi thông tin được xử lý nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

“Phải đẩy mạnh, phối hợp với các nước vì việc mua bán người đều mang ra nước ngoài, nên phải phối hợp chặt chẽ với các nước trong tiểu vùng sông Mekong như Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan để phát hiện, đấu tranh những hành vi mua bán người, nhất là các đường dây. Sự phối hợp giữa các nước và sự hỗ trợ các tổ chức quốc tế sẽ giúp chúng ta thực hiện tốt tuyên bố chung đã được ký trong ngày hôm nay”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã điều tra, khám phá 3.200 vụ, bắt trên 5.200 đối tượng, xét xử trên 2.000 vụ với 3.500 bị cáo về tội mua bán người; tiếp nhận gần 7.500 nạn nhân bị mua bán, trong đó đảm bảo 100% nạn nhân được nhận hỗ trợ ban đầu và 60% nạn nhân được tiếp cận các hỗ trợ của Chính phủ./.