Chính sách cần cụ thể, trách nhiệm phải rõ ràng
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đảm bảo sự phù hợp và thống nhất của hệ thống pháp luật, cần có thống kê và đánh giá kỹ lưỡng hơn các điều khoản liên quan đến Bộ luật Dân sự, luật các tổ chức tín dụng, các luật về thuế… cũng như tính đồng bộ giữa các quy định ngay trong luật này.
Đề cập thành viên của hợp tác xã, Chủ tịch Quốc hội cho biết xu hướng thế giới chú trọng phát triển số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác, nhưng xu hướng quan trọng hơn là người ta khuyến khích mở rộng hội viên, số lượng doanh nghiệp hợp tác xã. Tổ hợp tác có thể không tăng nhanh nhiều nhưng quy mô phải lớn lên. Do đó, cần nghiên cứu quy định nghĩa vụ về phát triển thành viên và nếu có chính sách khuyến khích thì càng tốt.
Hay quy định mỗi hợp tác xã được vay 500 triệu đồng không cần tài sản thế chấp, nhưng trong thực tế thì chưa ai đi vay được, cũng không ai cho vay cả. Rồi chính sách tín dụng nội bộ và huy động vốn của các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân là rất cần thiết nhưng lại có khả năng xung đột với Luật Tổ chức tín dụng. Dự thảo luật đang giao cho Chính phủ quy định là chính nhưng nếu không quy định một số nguyên tắc thì Chính phủ cũng khó có cơ sở cụ thể hóa.
Liên quan thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, ông Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu kỹ hơn để có quy định cụ thể hơn, bởi việc này rất cần thiết. “Tôi đi sang Israel thì thấy công nghệ tưới nhỏ giọt của một tập đoàn lớn với doanh số mấy tỷ USD/năm thực chất là một doanh nghiệp của một hợp tác xã. Có HTX ở Trung Quốc sở hữu cả một tập đoàn khách sạn 5 sao… Nên quy định cụ thể phát triển hơn so với luật năm 2012, nghiên cứu tổng kết thực tiễn, điều kiện thành lập, cơ chế thành lập” – ông Vương Đình Huệ nêu ý kiến, vì có HTX ở phố huyện rất phát triển muốn có một công ty thương mại nằm trong hợp tác xã nhưng cũng rất lúng túng.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các địa phương thiếu nhận thức và thiếu thống nhất quản lý nhà nước khi có nơi giao cho Liên minh Hợp tác xã, có nơi giao cho ngành nông nghiệp, nơi lại kế hoạch - đầu tư, có nơi không giao cho ai.
“Trong luật này phải khẳng định lại là Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực này và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt, giúp cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý khác và cần phải tăng cường năng lực đội ngũ ở đây, giảm biên chế gì thì giảm nhưng chỗ này phải tính toán” – ông Vương Đình Huệ nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng đặt vấn đề, cơ quan quản lý nhà nước có vai trò thế nào trong giám sát hoạt động, cũng như can thiệp khi có những vấn đề vướng mắc. Luật phải giao trách nhiệm rõ ràng.
“HTX của các chợ thường xã viên là các tiểu thương, khi người ta khiếu nại về những việc không được minh bạch trong HTX thì rất khó xử lý. Rồi giả sử hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị trong quá trình làm mà có gian lận, có sai phạm thì ai giám sát, ai can thiệp? HTX là cơ chế tập thể, bình đẳng nên chuyện giám sát, can thiệp để đảm bảo sự bình đẳng, đúng đắn trong hoạt động là rất quan trọng. Giám sát không tốt thì không cẩn thận thành viên HTX sẽ mất quyền lợi” – ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Không thể nói cũ luôn xấu, mới luôn tốt
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý báo cáo đánh giá tác động phải đầy đủ. Một số dự án luật gần đây đánh giá tác động cứ theo mô típ cũ, đó là nói chính sách cũ rồi không có tác động tích cực và chính sách mới không có tác động tiêu cực.
“Rất nguy hiểm. Đánh giá tác động kiểu như thế thì định chính sách của chúng ta rất khó, tôi thấy nhiều dự án luật có tình trạng này. Cứ chính sách cũ là không có tích cực, chính sách mới là không có tác động tiêu cực. Rất vô lý! Chính sách mới mà nhận nhận biết được tác động tiêu cực thì mới hoạch định chính sách phù hợp. Còn đánh giá mà không có tác động tiêu cực thì coi như làm để cho làm, không phải làm cho dân” – ông Trần Quang Phương thắn thắn chỉ rõ.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng có tình trạng thiếu thống nhất giữa các hồ sơ. Báo cáo tổng kết thì nêu ưu điểm, nhược điểm nhưng đến giải pháp thì không thấy sửa vào nhược điểm. Bản so sánh là phải so sánh luật cũ và luật mới sửa chỗ nào, có ghi chú vì sao sửa như vậy, thể chế hóa nghị quyết nào, tư tưởng nào, chỉ đạo nào…
“Gần đây có chuyện đánh giá tác động rất hình thức, đánh giá tác động theo kiểu chủ quan, thiếu tính khách quan. Bản thân các phương án đều có cả 2 mặt tích cực và tiêu cực, không có tích cực thì làm sao nó tồn tại mười mấy năm. Sau này Ủy ban Pháp luật cũng làm việc với Bộ Tư pháp để xem xét chuẩn bị hồ sơ, phải siết chỗ này” – ông Nguyễn Khắc Định nói./.