Chiều 9/12, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

Theo đó, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 dự kiến được tổ chức vào ngày 12/12 tại Hội trường Bộ Quốc phòng Hà Nội và được truyền trực tuyến tới 82 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quân khu, quân chủng, binh chủng, binh đoàn, bộ tư lệnh và tương đương trong quân đội. 

Khoảng 670 đại biểu sẽ tham dự tại Hội trường Bộ Quốc phòng, gồm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, thủ trưởng các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; Giám đốc Công an; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân; Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Khoảng 5.000 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến ở 82 điểm cầu.

Thông tin tại cuộc họp báo, ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết, Hội nghị lần này được tổ chức trước thềm Đại hội XIII, có một ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa tổng kết công tác phòng chống tham nhũng của cả nhiệm kỳ Đại hội XII và từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay. Hội nghị sẽ đánh giá kết quả đạt được, những việc chưa làm được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. Điều này cũng thể hiện rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng chống tham nhũng; khẳng định công tác này không dừng, không nghỉ, không trùng xuống mà ngày càng quyết liệt, bài bản, đồng bộ, hiệu quả hơn.

Thông tin về những nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng. 

Kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cụ thể, Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 đã chỉ ra 9 yếu tố góp phần tạo nên những kết quả bước đầu:

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng.

Một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong phòng chống tham nhũng đã được tập trung tháo gỡ kịp thời và có chuyển biến tích cực, nhất là đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; chấn chỉnh, khắc phục việc cho hưởng án treo không đúng quy định pháp luật; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong phòng chống tham nhũng; khắc phục tư tưởng “hạ cánh an toàn” trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm; truy bắt xử lý các đối tượng phạm tội tham nhũng, sau đó bỏ trốn ra nước ngoài…

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Việc ban hành và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ngày càng đồng bộ, nhất là kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý được đẩy mạnh, có chuyển biến tích cực.

Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống tham nhũng có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng chống tham nhũng ngày càng được khẳng định và phát huy.

Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân trong phòng chống tham nhũng ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực.

Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng chống tham nhũng.

Dự thảo báo cáo cũng nêu rõ, để công tác phòng chống tham nhũng đạt được kết quả toàn diện, rõ rệt, phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa “4 không” trong phòng chống tham nhũng: không thể, không dám, không cần và không muốn tham nhũng.

Thông tin thêm tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thái Học cho biết, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, đã đưa hơn 800 vụ việc vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, vào diện theo diện theo dõi chỉ đạo 3 cấp độ (trong đó, cấp độ 1 là cấp độ do Ban chỉ đạo theo dõi chỉ đạo, cấp độ 2 do Ban Nội chính trung ương theo dõi đôn đốc, cấp độ 3 do các tỉnh thành ủy theo dõi chỉ đạo. Trong đó, án cấp độ 1 là 133 vụ án, 94 vụ việc, đến nay các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, xét xử phúc thẩm 61 vụ án, 581 bị cáo. Riêng từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, đã chỉ đạo xử lý 127 vụ án, 91 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 72 vụ án, 637 bị cáo, xét xử phúc thẩm 54 vụ án, 481 bị cáo.

Về câu hỏi của phóng viên cũng như dư luận quan tâm, là đầu nhiệm kỳ XII đã “đốt lò nóng”, sắp tới còn “nóng” nữa không, ông Nguyễn Thái Học, cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, trong nhiều phiên họp của Ban Chỉ đạo luôn đặt vấn đề tâm trạng chung của người dân là quan tâm, lo lắng, thời gian qua đã làm tốt rồi, thời gian tới sẽ thế nào? 

Tổng Bí thư luôn khẳng định: “công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ không dừng, không nghỉ, không trùng xuống trong khi chúng ta vẫn tiến hành đại hội các cấp, chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc, vẫn tập trung chống Covid cũng như nhiều vấn đề khác. Chúng ta sẽ tiếp tục làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào của quần chúng, là xu thế không thể cưỡng lại”./.