Ngày 10/7, tại Phnom Penh (Campuchia), đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (BTNG) ASEAN+3 (với ba nước là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 13, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Nhật Bản lần thứ 5 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong- Hàn Quốc lần thứ 2.

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị.

asean123.jpg
Hội nghị BTNG ASEAN+3 (ảnh: Tuấn Anh)
** Tại Hội nghị BTNG ASEAN+3, các Bộ trưởng đánh giá cao các kết quả quan trọng trong hợp tác ASEAN+3 trên tất cả các lĩnh vực; cho rằng tiến trình ASEAN+3 đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, hiện là một trong các cơ chế hợp tác năng động và hiệu quả nhất trong thúc đẩy hợp tác và liên kết ở Đông Á.

Các Bộ trưởng nhất trí các nước cần tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về hợp tác Đông Á và Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 2007-2017; hoan nghênh quyết định của Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 tăng ngân sách cho việc thực hiện Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng mai từ 120 tỷ USD lên 240 tỷ USD; đề nghị sớm triển khai Hiệp định Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 ký tháng 10/2011; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông vận tải, phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, an ninh lương thực và năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm... và có biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm thực hiện đúng lộ trình các hiệp định thương mại giữa ASEAN với từng nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kỷ niệm 15 năm thành lập tiến trình ASEAN+3, các Bộ trưởng nhất trí với kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân trong năm 2012.

Tại Hội nghị BTNG ASEAN+3, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao những tiến triển thực chất trong quan hệ ASEAN+3 và sự tham gia tích cực và đóng góp quan trọng của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối với tiến trình hợp tác.

Thời gian tới các nước ASEAN+3 cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn về các vấn đề tài chính - tiền tệ, trong đó có thực hiện hiệu quả Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào Sáng kiến thị trường trái phiếu Châu Á; tăng cường kết nối, thương mại, đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở và giao thông vận tải, phát triển nguồn nhân lực... Trong quá trình này, các nước cần phát huy vai trò và tận dụng Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu Đông Á và Nhóm tầm nhìn Đông Á II. Thứ trưởng cũng đề nghị các Đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển… cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại các khuôn khổ, diễn đàn khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+…

** Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản đã rà soát lại tình hình triển khai và thảo luận về định hướng của các hoạt động hợp tác tương lai. Trên cơ sở quyết định của các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần 4 (Tokyo, 4/2012), Hội nghị đã thông qua "Kế hoạch hành động Mekong - Nhật Bản nhằm thực hiện Chiến lược Tokyo 2012". Theo đó, các bên nhất trí triển khai các hoạt động và biện pháp cụ thể trong ba trụ cột hợp tác chính gồm: (i) Tăng cường kết nối khu vực Mekong; (ii) Cùng nhau phát triển (hợp tác phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch..); và  (iii) Bảo đảm an ninh con người và môi trường. Hội nghị nhấn mạnh việc thực hiện nhanh chóng và hiệu quả Kế hoạch hành động có ý nghĩa quan trọng đối với "Quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung" giữa các nước Mekong và Nhật Bản.

Hội nghị cũng hoan nghênh việc ba nước Việt Nam, Lào và Thái Lan thiết lập cơ chế họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao để giải quyết những khó khăn vướng mắc và thúc đẩy phát triển Hành lang Đông - Tây (EWEC), đồng thời ghi nhận các khuyến nghị đưa ra tại cuộc họp lần thứ nhất của cơ chế này (tại Quảng Trị, tháng 5/2012).

Phát biểu tại HNBTNG Mekong - Nhật Bản, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đề nghị trong giai đoạn 2013-2015 hợp tác Mekong - Nhật Bản cần tập trung nguồn lực vào một số lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tiểu vùng như: (a) phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm, chú trọng các hành lang kinh tế như Hành lang Đông - Tây, Hành lang phía Nam; và (b) quản lý và sử dụng hợp lý và bền vững nguồn nước sông Mekong.

Thứ trưởng cũng khẳng định hợp tác hiệu quả, thực chất giữa các nước về quản lý nguồn nước là một trong những điều kiện căn bản cho sự thành công của "Một thập kỷ Mekong xanh"; và đề nghị Ban thư ký Uỷ hội sông Mekong (MRC) và các nước thành viên phối hợp chặt chẽ để sớm triển khai nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, trong đó có tác động của đập thuỷ điện trên dòng chính.

** Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Hàn Quốc đã kiểm điểm tình hình hợp tác trên cơ sở Tuyên bố sông Hàn thông qua tại HNBTNG Mekong - Hàn Quốc lần thứ nhất (10/2011). Về hợp tác giai đoạn trước mắt, Hội nghị thống nhất: (i) triển khai một số dự án thí điểm trong 6 lĩnh vực ưu tiên (gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nước, nông nghiệp và phát triển nông thôn, và phát triển nguồn nhân lực); (ii) tổ chức "Diễn đàn kinh doanh Mekong - Hàn Quốc" trong năm 2013; và (iii) chọn năm 2014 làm "Năm giao lưu Mekong - Hàn Quốc". Đối với hợp tác  trung và dài hạn, các bên nhất trí xây dựng Kế hoạch hành động Mekong - Hàn Quốc để thông qua tại HNBT năm 2014.

Đóng góp cho thảo luận tại HNBTNG Mekong - Hàn Quốc, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho rằng, bên cạnh việc bổ trợ các hoạt động hợp tác song phương, khuôn khổ Mekong - Hàn Quốc cần đưa ra những sáng kiến hợp tác mới phát huy lợi thế của các thành viên như: đào tạo nhân lực phục vụ phát triển xa lộ thông tin tiểu vùng Mekong; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các nước Mekong xây dựng và thực hiện mô hình tăng trưởng xanh.

Thứ trưởng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải tăng cường hợp tác giữa các nước trong quản lý và sử dụng nguồn nước sông Mekong, đặc biệt trước sức ép của gia tăng dân số và các hoạt động kinh tế, và biến đổi khí hậu.

** Bên cạnh kiểm điểm và định hướng hợp tác, các Hội nghị cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm cũng như các thách thức đang nổi lên như an ninh lương thực, quản lý thiên tai, an ninh an toàn hàng hải Bắc Triều Tiên, cải tổ Hội đồng bảo an... Trong thảo luận, nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, gây phương hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, khẳng định tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS).

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh bày tỏ quan ngại và những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, khẳng định lại lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập “thành phố Tam Sa” cũng như mời thầu 09 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển của LHQ 1982 và trái với tinh thần DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Thứ trưởng nhấn mạnh lại các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển của LHQ 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của LHQ 1982, và tinh thần DOC./.