Sau các hoạt động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc như cấp tập tiến hành hoạt động cải tạo các bãi đá, bồi đắp quy mô lớn, xây dựng tiền đồn trái phép tại khu vực, xua đuổi máy bay Mỹ, ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông… cộng đồng quốc tế đặc biệt là Mỹ đã có những phản ứng mạnh mẽ nhằm lên án và phản đối các hành động này của chính quyền Bắc Kinh.

Trung Quốc đang làm gì và tính toán gì ở Biển Đông? Chiếu theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã vi phạm những điều khoản gì? Là những câu hỏi đang được dư luận quan tâm.

Phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) về vấn đề này.

Nghe nội dung cuộc phỏng vấn:

ong_cuong_2_nmkh.jpg
Thiếu tướng Lê Văn Cương

Trung Quốc muốn đặt mọi thứ vào “sự đã rồi”

PV

: Tình hình Biển Đông đang rất nóng với những hành động ngang ngược từ phía Trung Quốc. Trung Quốc đang nhắm tới những mục tiêu gì,thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Trước khi nói về mục đích của Trung Quốc khi cải tạo những đảo đá chìm ở Trường Sa thành những hòn đảo nổi nhân tạo, ta cần biết những gì họ đã làm và đang làm.

Hơn 1 năm nay cụ thể là 18 tháng nay, Trung Quốc đang tập trung mọi phương tiện để biến các đá ngầm ở Trường Sa thành những đảo nhân tạo, trong đó đặc biệt có 7 đá ngầm là đá Châu Viên, Én Đất, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, đá Chữ Thập - 6 đảo này chiếm của Việt Nam ngày 14/3/1988 và đảo Vành Khăn nguyên trước đây là do Philippines chiếm. Có thể nói, chưa bao giờ họ tập trung làm nhanh chóng, quyết liệt đến như vậy.

Theo ảnh vệ tinh của Mỹ và châu Âu, so với tháng 1/2014 và tháng 4/2015 này thì diện tích đá Gạc Ma đã tăng lên 200 lần. Như vậy sau 15 tháng họ đã nâng diện tích Gạc Ma lên 200 lần. Tại đá Chữ Thập, tháng 4/2015 so với tháng 2/2014 thì diện tích đã tăng 10 lần.

Và hàng tỷ năm nay tại quần đảo Trường Sa của chúng ta, đảo Ba Bình (hiện do Đài Loan chiếm trái phép) là lớn nhất, thế nhưng hiện nay, diện tích đảo Gạc Ma đã lớn hơn Ba Bình, trở thành đảo lớn nhất ở Trường Sa. Cũng theo ảnh vệ tinh của Mỹ và châu Âu, hiện nay, diện tích của Gạc Ma cỡ bằng khoảng 17 sân bóng tiêu chuẩn và cũng theo hình ảnh vệ tinh thì đã hình thành 2 sân bay ở Gạc Ma và Chữ Thập.

Đó là về phía Tây, còn ở phía Đông của đảo Gạc Ma và Chữ Thập thì đã hình thành 2 bến cảng mà tàu chiến, tàu thương mại khoảng 50.000 tấn có khả năng cập bến. Như vậy họ đã biến các đá chìm ở đây thành những căn cứ quân sự nổi.

Mục đích là để cho máy bay chiến đấu J-8 và J-10 có khả năng cất cánh, hạ cánh ở đây; đặc biệt là phục vụ cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Trung Quốc, đó là loại H-6 và H-6K, tầm hoạt động là 1.800 km. Đây là chiến lược hiện thực hóa chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Trường Sa mà không thông qua chiến tranh, nghĩa là họ cứ làm, đặt việc đã rồi, không ai có thể cản trở và thời gian sẽ giúp họ khẳng định chủ quyền phi lý của họ đối với Trường Sa.

Đấy là mục đích của họ, biến các đảo chìm đánh chiếm phi lý của Việt Nam trở thành căn cứ quân sự và khi đã hình thành các căn cứ quân sự thì Trung Quốc có khả năng khống chế cả eo biển Malacca và đặt ra những luật lệ theo kiểu của Trung Quốc và tác động trực tiếp đến con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới này. Đây là bước đi cực kỳ nguy hiểm để hiện thực hóa chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

PV: Với hành động vô lý và ngang ngược của Bắc Kinh tại Biển Đông như ông vừa phân tích thì rõ ràng, Trung Quốc đã không tuân theo luật pháp quốc tế. Vậy những vi phạm đó cụ thể là gì, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Những hành động của Trung Quốc ở Trường Sa vi phạm hàng loạt điều luật quốc tế. Trước hết, chúng ta thấy rằng ngày 14/3/1988, Trung Quốc dùng một lực lượng lớn hải quân áp đảo đánh chiếm 6 đảo chìm của Việt Nam ở Trường Sa. Là những đảo: Châu Viên, Én Đất, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Chữ Thập. Hành động này là hoàn toàn phi pháp bởi vì khoản 3, Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc nói rằng, tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc phải giải quyết tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hòa bình theo cách không làm nguy hại đến hòa bình, an ninh quốc tế, công lý.

Cũng tại Điều 2, khoản 4 nói rằng, tất cả các thành viên từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập của bất kỳ quốc gia nào, hoặc bằng cách khác, trái với mục đích của Liên Hợp Quốc. Như vậy có thể nói, hành động đánh chiếm 6 đảo tại Trường Sa của Việt Nam ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã vi phạm khoản 3, khoản 4 của Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Vì thế, họ không có cơ sở pháp lý nào đối với 7 đảo họ đang chiếm ở Trường Sa.

Thứ nhất, phải nói là cuộc đánh chiếm ngày 14/3/1988 là hoạt động hoàn toàn đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Như vậy để khẳng định rằng, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào đối với 7 đảo đang chiếm ở Trường Sa.

Thứ hai, việc cải tạo các đảo ở Trường Sa, Trung Quốc đã vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 ở 3 điều chủ yếu. Một: Điều 56 và Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982 nói rằng, xác định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển ở quần đảo, thực chất hành động cải tạo các đá chìm đánh chiếm của Việt Nam là vi phạm Điều 56, Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam tại vùng biển này. Họ vi phạm Điều 81 của Công ước Luật Biển năm 1982, theo đó, mọi hoạt động khoan thăm dò hay bất cứ một hoạt động nào trong vùng biển thuộc các nước ven bờ thì dứt khoát phải được sự đồng ý của các nước ven bờ biển đấy. Hành động của Trung Quốc không được sự đồng ý của chính quyền Việt Nam, như vậy đã vi phạm Điều 81 của Công ước Luật Biển năm 1982.

Về mặt luật pháp, Trung Quốc đã vi phạm khoản 3, khoản 4, Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm; vi phạm Điều 56, Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982 về vùng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đặc quyền kinh tế của Việt Nam; vi phạm Điều 81 không được sự đồng ý của Việt Nam mà vẫn làm trái phép.

Thứ ba, họ đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với 10 nước ASEAN năm 2002. Tiếp theo, những hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại những điều họ cam kết. Trong hơn 2 năm nắm quyền lực ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã 10 lần cam kết với Việt Nam, cam kết với 10 nước ASEAN và cộng đồng quốc tế là Trung Quốc sẽ thực hiện có trách nhiệm để đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực.

Vào tháng 6/2013, Tuyên bố chung của ông Tập Cận Bình ký với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó Trung Quốc cam kết đảm bảo hòa bình, ổn định trên Biển Đông và khu vực; và họ đã phủ định lại.

Ngày 3/10/2013 tại Quốc hội Indonesia, ông Tập Cận Bình cũng phát biểu rằng, đề nghị Trung Quốc và Indonesia ký Hiệp ước láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt.

Tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc - ASEAN lần thứ 16 cũng tháng 10/2013, ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc cũng nhắc lại và kiến nghị giữa 10 nước ASEAN và Trung Quốc xây dựng “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt”.

Như vậy là những hành động của Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đi ngược lại những điều đã cam kết, phản bội lại các cam kết của mình.

PV: Sự ngang ngược, trái luật pháp quốc tế của chính quyền Bắc Kinh ngay lập tức đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ông có thể lý giải rõ hơn tại sao cộng đồng quốc tế lại có một thái độ quyết liệt như vậy?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ở đây, tôi muốn nói rõ, việc Trung Quốc cải tạo các đá chìm chiếm của Việt Nam tại Trường Sa thành những căn cứ quân sự, là việc làm cực kỳ nguy hiểm so với việc kéo giàn khoan Hải Dương 981 tháng 5, 6, 7 năm 2014 vừa qua.

Việc cải tạo, thay đổi hiện trạng ở Trường Sa, xây dựng căn cứ quân sự ở đây gấp triệu lần, cực kỳ nghiêm trọng. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế phản đối dữ dội, bởi lẽ, khi Trung Quốc hoàn thành xây dựng căn cứ quân sự ở đây, có sân bay, có bến cảng, họ sẽ đặt ra những luật phi lý của họ, kiểu như là Vùng Nhận dạng phòng không ở trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc áp đặt vào ngày 23/11/2013 trên biển Hoa Đông. Rồi họ cũng sẽ đặt ra những luật lệ phi lý buộc các tàu thuyền quốc tế đi qua đây phải khai báo.

Ở trên biển, đi qua vùng biển này cực kỳ khó khăn. Ở trên không có thể họ thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không ở Biển Đông, cũng đặt ra những luật lệ theo kiểu Trung Quốc đã làm. Như vậy là mất an ninh, an toàn hàng hải.

Ở đây là con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất hành tinh này. 1/3 dịch vụ hàng hóa toàn thế giới đi qua Biển Đông. Riêng dầu mỏ thì 42% dầu mỏ thương mại thế giới đi qua Biển Đông. Cho nên về mặt kinh tế, họ đe dọa an toàn kinh tế, an ninh hàng hải, an ninh hàng không.

Đặc biệt, khi họ cải tạo Gạc Ma, Chữ Thập thành căn cứ quân sự, có sân bay và bến cảng, thì họ có khả năng hoàn toàn khống chế ở biển Malacca. Khi họ thấy cần thiết, họ có khả năng khống chế 10 nước ASEAN. Và chúng ta nên nhớ rằng, căn cứ quân sự của Mỹ ở phía Bắc Australia đến đảo Gạc Ma của Việt Nam chỉ có 3.200 km thôi. Còn máy bay chiến lược ném bom tầm xa H-6, H-6K của Trung Quốc cất cánh và hạ cánh ở Gạc Ma và Chữ Thập, thì máy bay ném bom chiến lược tầm xa này tầm hoạt động 1.800 km, mang trên mình nó 9 tên lửa đạn đạo tầm bắn là 2.000 km.

Có nghĩa là toàn bộ căn cứ quân sự của Mỹ ở phía Bắc Australia cũng nằm trong tầm đạn pháo của Trung Quốc. Đấy là chưa nói 10 nước ASEAN hoàn toàn nằm trong ống áo của họ rồi.

Xét về mặt an ninh kinh tế, an ninh hàng hải hàng không và an ninh an toàn của khu vực, rõ ràng hành động của Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn hàng hải và đe dọa mất ổn định ở khu vực. Ngay cả những căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực này cũng không hoàn toàn an toàn. Vì thế, Mỹ đã phản đối quyết liệt.

Chúng ta nhớ rằng, đô đốc chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harris đã nhiều lần tuyên bố, Trung Quốc đang muốn thay đổi hiện trạng, đang muốn độc chiếm Biển Đông, biến đây thành một căn cứ quân sự, để khống chế phía Tây Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Đô đốc Harris cũng nói rằng Mỹ sẽ điều động 60% hạm đội của mình lên hiện diện ở Thái Bình Dương từ bây giờ đến năm 2020. Và thực tế Mỹ vừa qua cũng đã cho tàu chiến, máy bay đi tuần tiễu gần những hòn đảo Trung Quốc đang cải tạo, và thật ra đã bắt đầu có va chạm nhỏ. Tôi cho rằng phản ứng của Mỹ là hết sức quyết liệt.

Cùng với Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Liên minh châu Âu, đã bắt dầu lên tiếng phản đối hành động thay đổi hiện trạng, xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa. Bà Monica, Giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược của Pháp, cho rằng Trung Quốc đang làm những điều bất chấp luật pháp quốc tế, đang lừa dối cộng đồng quốc tế, với âm mưu độc chiếm biển Đông.

Như vậy là cả cộng đồng quốc tế đã nhận rõ hành động bản chất của Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm, có khả năng gây ra mất ổn định, an ninh an toàn hàng hải, hàng không khu vực, và thậm chí đe dọa đến ổn định toàn bộ khu vực này. Nên vì thế, vừa qua, cộng đồng quốc tế, nhất là các cường quốc trong và ngoài khu vực đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những hành động phi pháp, phi lý, mang tính hiếu chiến của Trung Quốc.

Hành động của Mỹ chưa đủ để trấn áp Trung Quốc

PV: Theo giới quan sát, chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông đang va chạm lợi ích chiến lược mạnh mẽ với chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Tuần qua, chính quyền Washington cũng đã có những động thái rõ ràng đáp trả các hành động của Trung Quốc. Liệu những hành động này đã đủ chưa, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Tôi cho rằng chúng ta phải thấy thế này, nếu tính từ năm 2000 đến giờ, thái độ của chính quyền Mỹ, của chính quyền Obama, thái độ của các lực lượng quân đội, tình báo, thái độ của các cơ quan lập pháp Thượng viện, Hạ viện Mỹ, đối với hành động phi pháp, trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc đang làm ở Biển Đông là rất mạnh mẽ.
"Hành động phản đối của Mỹ là tích cực nhưng chưa đủ sức răn đe Trung Quốc"

Ngày 11/7/2014, Thượng viện Mỹ ra nghị quyết 412, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi Biển Đông. Ngày 3/2/2014, Hạ viện Mỹ ra nghị quyết 714, phê phán và phản bác yêu sách phi lý của Trung Quốc trong đường lưỡi bò. Và trong 3 tháng vừa rồi, có thể nói là Quốc hội Mỹ, chính quyền Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Đô đốc hải quân tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc. Tôi cho rằng, những hành động, những phản đối của Mỹ rất tích cực. Và chúng ta hết sức ủng hộ những thái độ đúng mực của Mỹ như vậy.

Tuy nhiên, đặt những hành động phản đối của Mỹ bên cạnh những hành động hung hăng của Trung Quốc, tôi nghĩ rằng, những phản đối của Mỹ rất tích cực nhưng chưa đủ sức răn đe Trung Quốc. Tôi xin lưu ý rằng, Trung Quốc chỉ e ngại Mỹ. Họ không sợ ai hết. Nếu như Mỹ phản đối đủ sức răn đe, thì chắc chắn Trung Quốc phải tính toán hành động của họ. Mà dư địa hoạt động của lực lượng hải quân Mỹ còn rất nhiều.

Đây là đường hàng hải quốc tế, không một quốc gia nào có quyền ngăn cản tàu chiến của nước ngoài đi qua đây cả. Không một quốc gia nào có quyền ngăn cản máy bay ném bom, máy bay chiến đấu của nước ngoài cả.

Cho nên tôi nghĩ rằng, những hành động của Mỹ vừa qua là tích cực, đã góp phần vào củng cố lòng tin của cộng đồng quốc tế. Nhưng so với hành động hung hăng của Trung Quốc, theo tôi, Mỹ cần phải làm mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn, cần phải điều nhiều tàu chiến sân bay đến đây, để tổ chức những cuộc tuần tiễu, những hoạt động bình thường theo luật pháp quốc tế, mà Trung Quốc không có quyền ngăn cản.

PV: Với những hành động trái phép ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, tình hình khu vực này đứng trước nguy cơ có thể trở thành một điểm nóng quốc tế nghiêm trọng như Ukraine hay Yemen. Vậy lúc này vai trò điều phối của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc phải được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là trong các điểm nóng ở khắp nơi trên thế giới thì Biển Đông là một trong những điểm nóng được dư luận quan tâm nhất. Để giải quyết điểm nóng này, vai trò của Liên Hợp Quốc rất quan trọng. Điều 1, khoản 1, của Hiến chương LHQ đã quy định: Mục đích của LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Và để đạt được mục đích đó, tiến hành các biện pháp tập thể có hiệu quả nhằm ngăn ngừa và loại trừ các mối đe dọa hòa bình, nhằm trừng trị mọi hành vi xâm lược và phá hoại hòa bình khác, điều chỉnh hoặc giải quyết các tranh chấp quốc tế, hoặc những tình huống có thể dẫn đến sự phá hoại hòa bình, bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của công lý và luật pháp quốc tế.

Nội dung này trong Hiến chương đã được cộng đồng 193 nước thành viên LHQ thông qua. Trung Quốc là một thành viên, thậm chí là một thành viên Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Họ phải có trách nhiệm thực hiện điều 1, khoản 1 LHQ.

Tôi cho rằng LHQ cần phải phản ứng mạnh mẽ hơn nữa, thông qua Hội đồng Bảo an, thông qua Đại Hội đồng. LHQ đã phản ứng, nhưng theo tôi, các phản ứng của LHQ như vậy là chưa đủ; chưa căn cứ, chưa làm đúng theo chức năng nhiệm vụ quy định tại điều 1, khoản 1 của Hiến chương.

Mặc dù, Tổng Thư ký đã có rất nhiều cố gắng, đã tham gia và giải quyết rất nhiều điểm nóng khu vực, nhưng riêng Biển Đông, tôi nghĩ rằng TTK LHQ và Hội đồng Bảo an cần phải hoạt động mạnh mẽ và có tiếng nói dứt khoát hơn nữa để ngăn chặn hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc.

PV: Việt Nam cũng như các nước trong khu vực cần làm gì lúc này để đối phó với những hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước những hành động căng thẳng của Trung Quốc, đang thay đổi hiện trạng ở Trường Sa, tôi nghĩ các nước ASEAN cần có một nhận thức thống nhất.

Vừa rồi tại Hội nghị Cấp cao ở Malaysia đã có Tuyên bố chủ tịch hội nghị ASEAN quan ngại về những thay đổi hiện trạng ở Trường Sa, tôi cho đấy là một cử chỉ, một hành động tích cực của Hiệp hội 10 nước ASEAN. Nhưng, những phản ứng của 10 nước ASEAN như vậy là chưa đủ sức để tác động trực tiếp tới Trung Quốc.

Tôi cho rằng 10 nước ASEAN cần có một tuyên bố chính thức yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay những hành động thay đổi hiện trạng ở Trường Sa, những hành động này vi phạm quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC mà Trung Quốc đã ký. Với tư cách là một Hiệp hội, đang tiến tới cộng đồng ASEAN với ba trụ cột: Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng an ninh, Cộng đồng văn hóa xã hội, thì 10 nước ASEAN cần có nhận thức thống nhất và có phản ứng kiên quyết mạch lạc hơn nữa.

Các bãi đá (ảnh trái chụp ngày 3/1) đã nhanh chóng được bồi đắp thành đảo nhân tạo (ảnh phải, 30/4), ảnh chụp từ vệ tinh do CSIS công bố (AFP)

Đối với Việt Nam, tôi cho rằng phải nhận rõ hành động của Trung Quốc đã và đang làm ở Trường Sa là cực kỳ nguy hiểm, đang thay đổi hiện trạng. Sau việc làm này, bước tiếp theo của họ sẽ là thiết lập vùng nhận dạng phòng không, là khống chế, là làm mất an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam nói riêng, của cộng đồng quốc tế nói chung.

Tôi cho rằng nhận thức đầy đủ hành động của Trung Quốc, chúng ta cần phải có tiếng nói phản đối quyết liệt. Hiện nay, cao nhất là người phát ngôn Bộ Ngoại giao, tôi cho rằng người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cần phải có công hàm tuyên bố, gửi cho người đồng cấp Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay việc này; phải nói với lãnh đạo Trung Quốc rằng những việc làm của họ, không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, không chỉ vi phạm công ước về Luật Biển năm 1982, và tuyên bố ứng xử DOC, mà chính là Trung Quốc đang đi ngược lại những điều Trung Quốc cam kết với lãnh đạo Việt Nam. Tôi nghĩ rằng phản ứng ở cấp cao cần rõ ràng mạch lạc hơn.

PV: Ông có thể đưa ra một vài dự báo cho tình hình Biển Đông những ngày tới đây?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dự báo tình hình biển Đông sắp tới đây, tôi nghĩ sẽ tùy thuộc vào phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là phản ứng của Mỹ đối với hành động của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, Trung Quốc đang cố gắng thực hiện mục đích của họ là xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa, kết thúc việc hoàn chỉnh hai căn cứ quân sự này muộn nhất là vào cuối năm 2016. Cho nên, dù quốc tế có phản ứng thì họ cũng cố kìm nén, và trong hai năm, 2015-2016 này, Trung Quốc có lẽ sẽ kiềm chế, ít có khả năng họ sử dụng biện pháp mạnh, quân sự, để tạo ra xung đột ở Trường Sa. Họ sẽ sử dụng ngoại giao, truyền thông để “đỡ đòn” cho những việc làm của mình.

Hoàn chỉnh các căn cứ quân sự, đặt chuyện đã rồi, sau đó họ có thể sẽ bàn đến chuyện ký quy tắc COC đối với ASEAN, buộc 10 nước ASEAN phải thừa nhận hiện trạng trên Trường Sa mà họ đã cải tạo. Cho nên diễn biến sắp tới đây trong năm 2015, và nhìn xa hơn trong năm 2016, tôi cho rằng, với mục đích là để yên để làm xong chuyện này, đặt chuyện đã rồi, cho nên Trung Quốc ít có khả năng tái chủ động gây nên xung đột.

Nhưng, nếu như cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa, thì họ có khả năng điều chỉnh các hoạt động hiện nay đang làm trên biển Đông, đặc biệt là có khả năng điều chỉnh những việc sau khi hoàn chỉnh xây dựng căn cứ quân sự ở đây.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng./.