Tiếp tục phiên làm việc sáng 23/10, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, Quốc hộ đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu đều đề cập đến quy định về đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 17), tập trung thảo luận về việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật (được hành nghề luật sư). Tuy nhiên, vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến tán thành với quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật, theo đó, viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư; một số ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư nhằm bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đội ngũ luật sư; có ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư nhưng chỉ trong lĩnh vực tư vấn pháp luật nhằm tận dụng và phát huy năng lực chuyên môn của họ. 

UBTV Quốc hội nhận thấy, việc có cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không cần được cân nhắc thấu đáo, cả về lý luận và thực tiễn.

Kết quả tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư cho thấy, một trong những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư thời gian qua là “hoạt động hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, số luật sư hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao chiếm trên 20%, điều này đã làm cho hoạt  động luật sư hiện nay bị kém hiệu quả và kém chất lượng”.

Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm nghề luật sư sẽ không khắc phục được tình trạng nêu trên. Hơn nữa, việc cho phép kiêm nhiệm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư và cũng không phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư theo hướng chuyên nghiệp theo định hướng cải cách tư pháp và quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư lần này.

Về ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư với tư cách là luật sư tư vấn, UBTV Quốc hội nhận thấy, nếu chỉ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật để làm dịch vụ tư vấn pháp luật thì sẽ hình thành hai loại luật sư: luật sư tư vấnluật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và định hướng phát triển nghề luật sư cũng như xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng, mặc dù Luật Luật sư không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư, nhưng theo quy định hiện hành, họ vẫn được phép tham gia tư vấn pháp luật theo nhiều hình thức khác nhau (tư vấn miễn phí, tư vấn có thù lao; tham gia tư vấn cho tổ chức trợ giúp pháp lý hoặc tham gia tổ chức tư vấn pháp luật...) và có sự quản lý của Nhà nước.

Như vậy, pháp luật hiện hành đã tạo cơ chế cho đội ngũ viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật có điều kiện tích lũy kinh nghiệm thực tế cũng như phát huy năng lực, trí tuệ của họ, do đó, không cần thiết phải bổ sung quy định về vấn đề này trong Luật Luật sư.

Từ những phân tích trên, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội theo hướng, không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư.

Hai luồng ý kiến

Nhất trí với báo cáo giải trình, đại biểu Lê Việt Trường (đoàn An Giang) cho rằng, quy định như trong dự thảo thể hiện tôn trọng nghề luật sư- một nghề đòi hỏi có tính chuyên sâu và không phải ai cũng làm được. Hơn nữa, ngoài thời gian lên lớp, người giảng dạy cần dành thời gian nghiên cứu khoa học.

Cùng chung ý kiến, đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) đồng tình cao với nội dung sửa đổi, đồng thời nhấn mạnh,người làm công tác giảng dạy luật chủ yếu tập trung ở thành phố lớn- nơi vốn có đội ngũ luật sư đông đảo, đảm bảo chất lượng. Ở khu vực miền núi, vùng xa thiếu luật sư nhưng việc thầy giáo đến nới đó để hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến công tác giảng dạy.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) đặt vấn đề, khi tham gia công tác luật sư, có những vụ việc không thành công và có thể bị ràng buộc trách nhiệm, hình ảnh người thầy có thể sẽ bị ảnh hưởng trong mắt trò. Điều đó ảnh hưởng không tố khi người thầy làm công tác giảng dạy.

Không hoàn toàn đồng tình với Báo cáo giải trình và một số ý kiến nêu trên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần cho phép người làm công tác giảng dạy luật được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Theo đại biểu, điều đó sẽ gắn lý thuyết với thực hành và bổ sung vào đội ngũ luật sư.

Theo đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội), việc cho phépsẽ giúp bổ sungđội ngũ luật sư, tạo cạnh tranh trong nghề và điều đó có lợi cho nguời dân khi người luật sư phải nâng cao khả năng, trình độ. Về lo lắng thời gian giảng dạy bị chi phối, theo đại biểu, thầy cô hoàn toàn có thể chủ động.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn Bắc Giang) cũng đồng tình với hướng cho phép vì cho rằng sẽ gắn được thực tiễn và giảng dạy, điều này thể hiện rất rõ ở ngành y.

“Việc làm luật sư làm ảnh hưởng đến giảng dạy thì hiệu trưởng hoàn toàn có quyền đình chỉ. Do đó, người giáo viên hoàn toàn có thể cân nhắc để cân bằng công việc của mình”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu cũng đặt vấn đề, với những giảng viên ở các trường ngoài công lập, không phải viên chức thì có bị cấm không?

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu khi nêu ý kiến cần cung cấp thêm các lý do, có sự so sánh với quốc tế và phân tích ảnh hưởng nếu có khi làm cả hai công việc để làm rõ vấn đề trước khi biểu quyết./.