Ngày 1/7 năm nay, tròn một năm thành phố Đà Nẵng thực hiện “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”. Sau một năm thực hiện thí điểm mô hình này bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, phát huy tính chủ động và chế độ chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sớm tháo gỡ. Việc xác định cấp quận, phường trở thành cấp dự toán không tạo ra sự chủ động và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương như vấn đề giải quyết đầu tư công và an sinh xã hội, thiếu chủ động thu, chi ngân sách.
Chuẩn bị kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7) sắp tới, UBND quận Ngũ Hành Sơn lập dự toán xin UBND thành phố Đà Nẵng chi 3,7 tỷ đồng hỗ trợ thêm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng từ nguồn thu ngân sách vượt dự toán của địa phương. Tuy nhiên, qua các khâu thẩm định của Sở Tài chính và các cơ quan liên quan, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã có chi cho gia đình thương binh liệt sĩ nên không phê duyệt. Trong khi đó, ngày 27/7 mọi năm, ngoài khoản quà của Chủ tịch nước, quà của thành phố, quận chủ động chi thêm một phần quà tặng gia đình có công cách mạng.
6 tháng đầu năm nay, quận Ngũ Hành Sơn thu ngân sách hơn 442 tỷ đồng, vượt 103% dự toán cả năm. Từ nay đến cuối năm phấn đấu vượt thêm 70% kế hoạch nữa. Những năm trước, khi chưa thực hiện mô hình chính quyền đô thị, số thu vượt này, quận được dành 50% để chi cải cách tiền lương theo luật định, 50% chi thường xuyên và an sinh xã hội. Thế nhưng năm nay, dù việc thu ngân sách vượt kế hoạch nhưng muốn sửa chữa một bóng đèn cháy, thay thế một chiếc ghế hỏng, lợp lại một tấm tôn trường học bị lốc xoáy cũng phải lập dự toán và thủ tục đi qua rất nhiều cửa mới được phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, khi quận, phường không còn là một cấp ngân sách mà chỉ là một đơn vị dự toán thì mọi hoạt động đều hết sức khó khăn. Cụ thể, đối với quận thì trăm công ngàn việc của dân, từ sửa chữa đường sá, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, đặc biệt là an sinh xã hội. Do vậy quá trình xây dựng dự toán ban đầu không thể nào lường trước được. Thứ hai là giao chỉ tiêu ngân sách theo dân số nên không đảm bảo chi cho hoạt động cấp quận. Do vậy những việc giải quyết công việc hàng ngày hay những việc phát sinh từ đời sống nhân dân trong 1 tháng hoặc nửa tháng thì thẩm quyền của Chủ tịch quận giải quyết rất chậm.
Theo quy định, UBND quận có thẩm quyền tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng tại khu vực được giao quản lý và có trách nhiệm trình HĐND quận quyết định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, khi Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được điều chỉnh thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khác. Đây cũng là một trở ngại cho cấp quận.
Ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng nêu vấn đề: "UBND thành phố phân cấp cho quận quyết định chủ trương phê duyệt chương trình, dự án nhóm C sử dụng nguồn vốn ngân sách. Khi phân cấp rồi nhưng rõ ràng nguồn thu không đảm bảo thì có cần xin chủ trương để duyệt quyết định chủ trương không. Muốn làm dự án thì phải có tư vấn nhưng khi lên thành phố không phê duyệt được thì lấy tiền đâu để quận trả cho tư vấn. Vì vậy, có thể là tùy ngân sách hàng năm cân đối cho quận, huyện một khoản mới có thể xử lý được".
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, sau 1 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, công tác quản lý, điều hành của UBND các quận, phường vẫn ổn định, thông suốt, hiệu quả. Kết quả này đã góp phần tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, thủ tục hành chính được cắt giảm, tăng tính chủ động điều hành của chính quyền, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp quận, phường, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khó khăn lớn nhất là vấn đề nhận thức để thực hiện đồng bộ ở các mặt, các lĩnh vực trong tổng thể. Cụ thể, việc xác định cấp quận, phường trở thành cấp dự toán không tạo ra sự chủ động và trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương như vấn đề giải quyết đầu tư công và an sinh xã hội, thiếu chủ động thu, chi ngân sách... Vấn đề này đã được ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị tháo gỡ tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Cụ thể, theo trình bày của Thành ủy Đà Nẵng, khi thực hiện chính quyền đô thị, hiện UBND quận, phường không còn là cấp ngân sách, là đơn vị dự toán nên không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, rất hạn chế trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư cũng như thụ động trong thu, chi ngân sách. Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn để UBND quận, phường được thực hiện cơ chế quản lý tài chính, ngân sách như một cấp ngân sách.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vào ngày 22/6 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá, việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng cơ bản đạt được tính căn cơ, đồng bộ, thống nhất, triển khai khá bài bản. Tuy nhiên, vì đang thực hiện thí điểm gần một năm nên nảy sinh những bất cập, vướng mắc là điều đương nhiên. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục bám sát, khắc phục các vướng mắc trong thực hiện tổ chức chính quyền đô thị. Đối với các vướng mắc trong thẩm quyền, thành phố cần giải quyết ngay. Đối với vướng mắc thuộc về thẩm quyền của Trung ương, Bộ Nội vụ sẽ tập hợp báo cáo với Quốc hội bổ sung, sửa đổi.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ghi nhận: "Đối với những vấn đề vướng mắc tồn tại đối với chính quyền đô thị, nếu vướng mắc thuộc về thể chế, Bộ Nội vụ sẽ tập hợp lại để sau khi sơ kết 3 năm vận hành chính quyền đô thị sẽ báo cáo với Quốc hội bổ sung, để làm sao tạo ra sự thông thoáng nhất, không để tình trạng chính quyền đô thị mà lại vướng mắc hơn so với khi chưa thực hiện. Nhất là đối với cấp quận, vừa khó khăn vừa lúng túng, vừa chưa đồng bộ".
Mới đây, trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính nêu quan điểm, “cấp quận, phường trở thành cấp dự toán” là cơ hội để Đà Nẵng tập trung được nguồn lực, tránh được tình trạng ở dưới thì thừa, ở trên thì thiếu. Theo ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, mô hình “một thành phố là một cấp ngân sách” là thông lệ trên thế giới. Ưu điểm của chính quyền đô thị chính là điểm này.
Về ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, có thể người ở trên Bộ thấy đó là đúng nhưng thực tiễn ở cơ sở, điều này lại là vướng. Vì vậy, hai bên phải trao đổi lại thật kỹ trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để đánh giá đúng tình hình, tinh thần là làm sao thật thuận lợi cho việc quản lý, điều hành.
Thủ tướng đề nghị: "Phải trao đi đổi lại, rồi phải từ thực tiễn, trên cơ sở đó phân tích khách quan, trung thực. Từ đó sẽ chọn phương án nào đó cho tốt. Tôi đề nghị Bộ Tài chính phối hợp cùng với các địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và nay mai là thành phố Cần Thơ, thực hiện thế nào đó cho phù hợp với tình hình. Nhưng chúng ta phải từ thực tiễn để làm cho tốt. Đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu vấn đề này. Chúng ta phải lắng nghe đã, xuống lắng nghe, xuống khảo sát để làm thế nào cho thuận lợi"./.