Hội nghị "Biểu dương Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên" do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành; Tỉnh uỷ, UBND, MTTQ các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Binh đoàn 15 tổ chức tại Pleiku (tỉnh Gia Lai), trong các ngày từ 29 đến 31/3.

Những con chim đầu đàn không biết mỏi

Ở Gia Lai, có già làng Hồ Khăm, ở làng Pơ Lang, xã Tú An, thị xã An Khê, (92 tuổi) vẫn vận động và hướng dẫn đồng bào trong làng sản xuất lúa nước, bỏ tập quán phát rẫy du canh. Hiện làng không còn hộ nghèo, không còn nhà tranh tre dột nát. Đặc biệt, cụ bà Kso B'lăm, già làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (63 tuổi) - một trong 6 nữ già làng tham dự Hội nghị "Biểu dương Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên". Là một chiến sĩ Quân giải phóng sau 25 năm phục vụ quân đội, về sống ở quê hương, nhờ chăn nuôi, sản xuất giỏi, năm 1998, bà Kso B'lăm được bầu làm Già làng. Già làng Kso B'lăm cho bà con trong làng mượn bò, mượn hơn 100 triệu đồng để làm ăn, chữa bệnh.

Ở Lâm Đồng, có cụ K'Lếu, già làng thôn 1, xã Tân Châu, huyện Di Linh vận động bà con tham gia tích cực thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, góp phần đưa Tân Châu thành xã giàu có, bình quân mỗi người thu nhập từ 500 đến 600 đô-la/ năm, trở thành xã Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Tại huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), các già làng vận động từng gia đình, dòng họ, bon, buôn cùng tham gia công tác định canh định cư. Đời sống kinh tế hộ gia đình ở nhiều buôn làng đã được cải thiện, thoát khỏi cái đói và vươn lên khá giàu. Tiêu biểu cho các già làng ở Krông Nô là: Ama Doan, Y Chuông, Y Thoan…

Nu_gia_lang_Y_Xuc_(o_Kon_Tu.jpg
Đại biểu già làng ở Kontum
Toàn tỉnh Kon Tum có hơn 700 già làng và họ đã thực sự phát huy được vai trò là hạt nhân liên kết, giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, có nhiều đóng góp trong việc vận động đồng bào thực hiện tốt cac chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Đó là một số gương mặt già làng tiêu biểu và thành tích của họ sẽ được vinh danh tại Hội nghị "Biểu dương Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên". Hội nghị có sự tham gia của 243 già làng tiêu biểu của 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh lân cận, trong đó người ít tuổi nhất 51 tuổi và người cao tuổi nhất 93 tuổi. Hội nghị biểu dương những đóng góp của các già làng tiêu biểu và bàn các nhiệm vụ để phát huy vị trí, vai trò của già làng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vê tổ quốc.

Đây cũng là dịp để đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương lắng nghe ý kiến của các già làng về nguyện vọng của mình và các đóng góp để tiếp tục hoàn thiện các chính sách nhằm củng cố khối đại đoàn kết, tạo động lực để Tây Nguyên tiếp tục phát triển toàn diện, giữ vững ổn định chính trị-xã hội.

Tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu

Ông Nguyễn Tấn Trịnh - Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay, đều có sự đóng góp tích cực của các thế hệ già làng.

Ông Nguyễn Tấn Trịnh: Các thế hệ già làng luôn đóng góp tích cực
Đặc biệt, với uy tín và kinh nghiệm của mình, các già làng đã góp phần quan trọng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, vận đồng đồng bào hợp tác giúp nhau, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các phong tục lạc hậu, chống lại những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ địch, giữ vững ổn định chính trị- xã hội. Các già làng đã thực sự phát huy vai trò gương mẫu đi đầu: Già làng nói, dân làng nghe; Già làng hô, dân làng hưởng ứng; Già làng làm, dân làng làm theo.

Hội nghị sẽ tổng kết những kinh của các già làng ở Tây Nguyên phát huy vai trò của mình trong cộng đồng. Những kinh nghiệm đó là: Luôn luôn giữ được những phẩm chất quí giá của mình trong vai trò là chỗ dựa tinh thần, có uy tín cao, gương mẫu trong nhận thức và hành động, sản xuất, lao động giỏi, am hiểu tập tục, môi trường địa lý, khí hậu, tập quán canh tác, nắm được các đặc điểm tâm lý, nguyện vọng của bà con dân tộc mình;

Trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, các già làng đã nhanh nhạy nắm bắt được những tinh thần cơ bản để vận động bà con các dân tộc thiểu số thực hiện; Để hoà hợp với sự phát triển có chiều hướng đi lên của Tây Nguyên, các già làng đã tích cực tự học nhằm nâng cao trình độ của mình, thực hành được cái mới, làm gương cho con cháu, đồng bào dân tộc mình noi theo; Già làng luôn biết cách thay đổi phương thức hoạt động của mình theo sự tiến bộ của xã hội, đồng thời biết vận dụng khéo léo các luật tục dân tộc mình phù hợp với những qui định trong luật pháp để nói cho bà con hiểu và sống, làm việc theo pháp luật.

Để các già làng ở Tây Nguyên phát huy được vai trò tích cực của mình, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, trong đó có Hội người cao tuổi cần nhận thức đúng mức vị trí, vai trò của già làng, tạo môi trường thuận lợi, giúp cho các già làng có điều kiện hoạt động; phát huy vai trò của già làng trong công tác vận động quần chúng; chú ý giúp đỡ già làng trong cả đời sống vật chất và tinh thần.

Cũng dịp diễn ra Hội nghị "Biểu dương Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên", Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "tuổi cao, gương sáng", tiếp tục phát huy vai trò của già làng hiến kế, hiến công, góp phần xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh.

Với vị trí, vai trò của mình, các già làng đã, đang và sẽ có những đóng góp to lớn cho Tây Nguyên nói riêng, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Già làng mãi mãi được đồng bào yêu mến, kính trọng, như những cây Kơ-nia sừng sững giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ./.