Yếu tố quyết định tính chuyên nghiệp của nền hành chính là đội ngũ công chức. Tính chuyên nghiệp của nền hành chính đòi hỏi công chức phải hiểu biết và thực hiện có hiệu quả công việc được giao. Thực tiễn đòi hỏi công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức (CBCC) phải có những thay đổi để bắt kịp yêu cầu mới.

Cán bộ tham gia theo kiểu bị "ép buộc", học cho xong!

Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Đại học Nội vụ Hà Nội, hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật về đào tạo bồi dưỡng chưa đồng bộ; chưa khuyến khích cán bộ công chức tham gia các khóa đào tạo đáp ứng yêu cầu công việc; cán bộ tham gia một cách thụ động, động cơ học tập chủ yếu là để đối phó, có đủ bằng cấp, chứng chỉ qui định, chứ chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu, mong muốn thực hiện nhiệm vụ, công vụ được tốt hơn.

Chương trình, tài liệu vẫn nặng lý thuyết, phần kỹ năng xử lý tình huống còn hạn chế, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết đối với từng chức danh. Một số chương trình, tài liệu chưa được cập nhật, thông tin, số liệu còn lạc hậu. Đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng đông nhưng hạn chế về năng lực, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm quản lý Nhà nước và phương pháp giảng dạy.

boi_duong_kien_thuc_vov_govg.jpg
Có những lớp bồi dưỡng cán bộ nhưng nội dung lại lỗi thời, không phù hợp thực tế.

Chị Vũ Thị H.  - một cán bộ quản lý ở khối các cơ quan Trung ương chia sẻ: Có nhiều lớp học khiến chúng tôi mất ngày mất buổi mà không có tác dụng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hay đạo đức nghề nghiệp. Ví dụ như lớp học hoàn chỉnh các loại chứng chỉ để thăng hạng dù người đó đã thi chuyển ngạch từ bậc 3 lên bậc 2 từ lâu. Vấn đề nữa là các giảng viên giảng dạy cho chúng tôi lại là những người không có kinh nghiệm nghề nghiệp, không cập nhật thực tiễn nên không giúp gì cho công việc hàng ngày.

"Nếu cứ yêu cầu những người đã học và thi trước đó phải đáp ứng theo chuẩn mới thì các trường đại học, các thạc sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp từ lâu nay, cơ sở đào tạo thay đổi khung chương trình, môn học thì họ cũng phải quay lại trường để học hoàn chỉnh hay sao? Chúng ta đang rất lãng phí thời gian, tiền bạc vào những việc vô bổ, ai cũng biết nhưng vẫn phải chạy theo" - vị này cho biết.

Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị phải "kêu trời" vì không có người làm việc, cán bộ, công chức phải đi học các lớp để chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh, trong khi học rất nhiều nhưng lại không phục vụ gì cho công việc, chất lượng đội ngũ không hề được nâng lên. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thừa nhận, nhiều người đi học mà thấy thừa thãi, không muốn nghe.

“Tôi đi các khóa đào tạo, người tham gia rất đông nhưng có người nói các kiến thức rất cần, nhiều người lại nói thừa, không muốn nghe” – ông Liên cho biết.

Ông Liên cũng cho rằng, cần chấm dứt việc vào làm việc rồi còn đi học, đi làm rồi thì chỉ bồi dưỡng. Việc học tại chức, chuyên tu chỉ dành cho thời kỳ đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, bao cấp, giáo dục chưa phát triển. Bây giờ các chương trình đào tạo đầy đủ rồi mà vẫn còn đi học tại chức, trong khi có nhiều người được đào tạo bài bản lại đứng ngoài.

Đào tạo, bồi dưỡng phải theo yêu cầu công việc

Theo PGS Nguyễn Minh Phương, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ CBCC trước hết là trách nhiệm của cơ quan, đơn vị sử dụng lao động. Vì vậy, việc quyết định ai đi học, học cái gì, học ở đâu cần phải xuất phát từ người học và do thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng lao động quyết định; Cần giảm dần và đổi mới các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch và tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, tăng cường và đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu công việc.

Thực tế hiện nay, các lớp đào tạo, bồi dưỡng thường do một cơ quan quản lý nào đó "vẽ" ra rồi gửi công văn về các đơn vị yêu cầu cử người đi học. Trong khi nhiều đơn vị đã có đăng ký nhu cầu đào tạo từ đầu năm nhưng gần như không được đáp ứng. Người đào tạo cứ đào tạo còn đơn vị sử dụng lao động và người lao động chỉ biết "hậm hực" tham gia các lớp học theo kiểu "đánh trống ghi tên" hoặc học cho có, cho khỏi phiền phức cho đơn vị biết đâu khi có nhu cầu lại không được đáp ứng.

Tổng kết các vấn đề từ thực tiễn, PGS. TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ đề xuất mô hình đào tạo, bồi dưỡng CBCC cho nền công vụ như sau:

 

Ở một khía cạnh khác, theo TS Trần Thị Hạnh – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển, bối cảnh hội nhập đòi hỏi phải bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, nhân cách, đạo đức công vụ cho cán bộ công chức như là một đòi hỏi bức xúc. Thực tế, đội ngũ CBCC nước ta hiện đang còn nhiều hạn chế, yếu kém về nhân cách, phẩm chính trị và đạo đức, lối sống, về trách nhiệm, thái độ, tác phong công vụ và đang còn một khoảng cách nhất định so với đội ngũ nhân lực công của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trong khi đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo bồi dưỡng CBCC của chúng ta chủ yếu mới tập trung vào việc bồi dưỡng đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, mới chú ý đến mặt nâng cao năng lực thực thi công vụ mà còn coi nhẹ việc bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách, đạo đức công vụ cho các đối tượng CBCC./.