Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành phố Hải Phòng phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với giai cấp Công nhân và Công đoàn Việt Nam”; tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Những cuốn sách: “Tổ chức Công hội như thế nào”, “Trả lời Kơrôtôme”, “Gia đình và chủ nghĩa xã hội”, “Nói chuyện nước Tàu” và “Công nhân vận động" cho đến các tờ báo mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trực tiếp chỉ đạo sản xuất như tờ “Sao đỏ”, “Tia lửa”, báo Lao Động, Tạp chí Công hội đỏ và các bài báo đăng trong thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay).
GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên thành viên Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: "Đạo đức Cách mạng, cần kiệm, liêm chính chí công vô tư mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổng kết trong đường Kách Mệnh từ 1925 đến 1927 và đến thế hệ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thể hiện rất rõ rệt trong cuộc đời: Lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Rồi là giản dị, khiêm tốn, gần gũi với công nhân, hết lòng thương yêu đồng chí của mình. Bài học khiêm tốn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh giờ chúng ta phải noi theo".
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908, tại làng Diêm Điền, tổng hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Cuộc đời hoạt động của đồng chí đã đóng góp cho Cách mạng Việt Nam rất nhiều công lao to lớn: tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, là người đứng đầu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tham gia Xứ ủy Trung Kỳ...
Bất chấp mọi nguy hiểm gian lao, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ nỗ lực giữ vững tinh thần quần chúng, chắp nối cơ sở để bảo toàn cơ sở, bảo vệ nhân dân. Tối ngày 9/4/1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt ở làng Yên Dũng Hạ (nay là phường Bến Thủy, thành phố Vinh).
Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng không làm lung lạc được người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người đảng viên bất khuất. Toà đại hình của thực dân Pháp mở từ ngày 15- 17/11/1931 đã kết tội tử hình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Những bức ảnh phản ánh thời kỳ hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh |
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định những đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với cách mạng Việt Nam, và đặc biệt là đối với xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Chòi canh nơi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân hy sinh (nay là khuôn viên công ty giày Thống Nhất, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) |
Đây là dịp để các cấp Công đoàn, cán bộ đoàn viên Công đoàn trong cả nước vừa phát huy, vừa học tập vừa làm theo tinh thần mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã để lại trong công tác công vận, và cũng là dịp để nhân lên các điển hình tiên tiến tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của tổ chức công đoàn Việt Nam cũng như sự đóng góp của giai cấp công nhân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để từ đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Cường bày tỏ.
Trong sáng nay (3/2), được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung Ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam và thành phố Hải Phòng đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2018./.
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Tổng Bí thư dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh