Tháng 8/2015, Việt Nam và Malaysia đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Malaysia Phạm Cao Phong cho biết, điều này có ý nghĩa quan trọng vì bên cạnh làm sâu sắc thêm những lĩnh vực hợp tác đang có, sẽ mở ra một số lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước.
Làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam – Malaysia
PV:Quan hệgiữa Việt Nam và Malaysiangày càng phát triểntrong những năm qua. Điều này thể hiện như thế nào trên một số lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, quốc phòng…, thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Cao Phong: Đầu tiên cho tôi thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia gửi đến khán thính giả, độc giả của VOV lời chúc năm mới Bính Thân hạnh phúc và thành công.
Nói về quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia trong những năm qua, ta tự hào thấy rằng quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Đặc biệt việc ký thoả thuận thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược đã đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.
Về quan hệ chính trị, không chỉ tăng cường giao lưu các đoàn mà Việt Nam và Malaysia còn có sự phối hợp tại các diễn đàn quốc tế.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Phạm Cao Phong |
Lượng hàng hoá xuất khẩu giữa hai nước ngày càng tăngvà chúng ta đang phấn đấu đến năm 2020, sẽ đạt được mức thương mại 15 tỷ USD. Hiện Malaysia là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, do những khó khăn trên thị trường quốc tế nên 2 năm gần đây, mặc dù số lượng hàng hóa xuất khẩu tăng nhưng do giá cả giảm nên kim ngạch giảm theo.
Hai nước cũng có hợp tác lao động từ lâu và Malaysia là một trong những thị trường lớn có đông người lao động Việt Nam.
Về du lịch, lượng khách đi lại giữa Việt Nam và Malaysia rất lớn. Hiện nay, mỗi ngày có 9 chuyến bay giữa hai nước. Năm 2016 sẽ có một số hãng khai thác chuyến bay giữa Việt Nam và Malaysia thì có thể lượng khách đi lại sẽ tăng lên. Hai nước cũng nhất trí ký lại những thoả thuận hợp tác mới giữa hai nước về lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Hợp tác trên các lĩnh khác như an ninh quốc phòng cũng đang đẩy mạnh. Hai nước có những thoả thuận từ 2003 và năm 2015 có ký thoả thuận về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Bên cạnh đó là các thỏa thuận về lao động, hợp tác kỹ thuật an toàn hàng không. Và chắc chắn thời gian tới hai nước sẽ ký thỏa thuận mới về du lịch mới để tăng cường hợp tác.
PV: Đại sứ có thể cho biết, tầm Đối tác chiến lược có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy quan hệ hai nước cũng như góp phần xây dựng lòng tin ở khu vực trong bối cảnh Cộng đồng chung ASEAN mới được hình thành?
Đại sứ Phạm Cao Phong: Quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia là Đối tác chiến lược cũng nằm trong chính sách đối ngoại chung của Nhà nước ta là làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.
Việc thiết lập Đối tác chiến lược đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu. Quan hệ chính trị ngày càng chặt chẽ hơn, tăng cường hợp tác trong nhiều vấn đề. Về song phương, chúng ta mở ra một số lĩnh vực hợp tác mới, đồng thời làm sâu sắc thêm những lĩnh vực hợp tác đang có.
Hai nước trong khối ASEAN và là hai thành viên trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên quan hệ song phương được đặt trong mối quan hệ đa phương sẽ làm gắn bó mật thiết hơn mối quan hệ hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế ngày càng phát triển.
Việt Nam và Malaysia có nhiều lợi ích gắn bó. Ta với nước bạn hợp tác để phấn đấu cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.
Kết nối cộng đồng người Việt hướng về quê hương
PV:Malaysia là nước có đông người Việt làm ăn, sinh sống, học tập. Công tác bảo hộ và phát triển cộng đồng được Đại sứ quán quan tâm như thế nào để tạo điều kiện cho bà con cũng như góp phần kết nối cộng đồng hướng về quê hương?
Đại sứ Phạm Cao Phong:Chúng ta có hơn 70.000 người ở Malaysia, trong đó có 7.200 cô dâu Việt, khoảng 700 lưu học sinh và số còn lại là lao động. Công tác cộng đồng là công tác rất quan trọng và trọng tâm, cơ bản của Đại sứ quán Việt Nam.
Từ năm 2014, Đại sứ quán đã chủ trương thành lập các hội đoàn của người Việt tại địa bàn. Chúng tôi đã thành lập Ban Liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, từ đó hình thành các Ban Liên lạc ở một số nơi tập trung đông người Việt Nam sinh sống như tại các bang Penang và Johor. Chúng tôi đang tiếp tục phát triển mạng lưới này tại các bang khác.
Vì có đông cô dâu Việt và xác định vị trí quan trọng của người phụ nữ nên Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam cũng được hình thành. Tuy chỉ có 700 sinh viên nhưng đã có Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Malaysia và được công nhận như một tổ chức nhỏ trong ngôi nhà lớn Hội thanh niên sinh viên Việt Nam.
Việc thành lập các tổ chức này góp phần liên kết đồng bào, tập hợp cộng đồng hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Các Hội, Câu lạc bộ cũng phối hợp với Đại sứ quán tổ chức các hoạt động cồng đồng tại địa bàn. Riêng năm 2015, rất nhiều hoạt động được tổ chức như: Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2), Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), ngày hội cộng đồng kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5); giải bóng đá thanh niên Việt trong toàn Malaysia tập hợp các cầu thủ từ các bang khác về Thủ đô Kuala Lampur thi đấu…
Những hoạt động đó góp phần củng cố mối quan hệ trong bà con và hướng bà con về quê hương đất nước.
Không chỉ phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức những hoạt động bề nổi, Đại sứ quán còn tổ chức những buổi đối thoại với cô dâu người Việt tại Malaysia nhằm tìm hiểu những khó khăn, nguyện vọng và từ đó có sự giúp đỡ để bà con để họ ổn định cuộc sống.
Đối với công nhân, chúng ta có Ban quản lý lao động trực thuộc Đại sứ quán. Năm 2015, chúng tôi đã cử cán bộ đi xuống nhiều nhà máy để tiếp xúc, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của anh, chị em; đồng thời giải quyết những việc phát sinh trong quá trình hợp tác lao động, thực hiện hợp đồng lao động…
Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng phối hợp hỗ trợ để giải quyết vấn đề ngư dân của ta vi phạm vùng biển nước bạn; trường hợp người Việt không may gặp tai nạn ở Malaysia…
Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Phạm Cao Phong chúc Tết Bính Thân 2016 |
PV: Gần 90% số người Việt Nam tại Malaysia là người lao động. Qua các cuộc tiếp xúc tại nơi làm việc cho thấy vấn đề nào mà người lao động cần hỗ trợ nhất, thưa ông?
Đại sứPhạm Cao Phong: Đầu tiên là những thắc mắc về hợp đồng. Trước đây, bản hợp đồng giữa chủ sử dụng lao động và người lao động toàn bằng tiếng nước ngoài nên người lao động không hiểu, chưa nói đến những bất đồng ngôn ngữ dẫn đến việc thiếu hiểu biết về luật pháp.
Chính vì thế, thỏa thuận ký tháng 8 năm 2015 giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Nguồn nhân lực của Malaysia đã có quy định về việc hợp đồng lao động phải được viết bằng cả 2 thứ tiếng, trong đó có Tiếng Việt.
Nội dung của các điều khoản trong hợp đồng cũng được nhiều người lao động thắc mắc. Chúng tôi phải giải thích cho bà con đâu là hợp đồng gốc để bà con thực hiện.
Tại Maylaysia, để xử lý tranh chấp giữa người chủ sử dụng lao động và người lao động chính là bản hợp đồng ký giữa chủ hợp đồng lao động và người lao động, chứ không phải bản hợp đồng ký giữa chủ sử dụng lao động với công ty phái cử của Việt Nam./.