Báo cáo tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/9, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một Phòng xử án, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể và vào cùng một thời điểm.
Phiên tòa trực tuyến tuân thủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của bị cáo, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Phạm vi áp dụng phiên tòa trực tuyến gồm các vụ án hình sự, hành chính, dân sự; trước mắt là các vụ án không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh. Phiên toà trực tuyến cũng được áp dụng với khi xử sơ thẩm, phúc thẩm và có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.
Các điểm cầu của phiên tòa trực tuyến gồm điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần. Tất cả các phiên tòa trực tuyến phải được Tòa án tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh để lưu trữ cùng hồ sơ vụ án phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, thanh tra, kiểm tra.
Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ ủng hộ vì cho rằng đề xuất này kịp thời đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử trong tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, nhiều vụ án đã thụ lý nhưng chưa mở được phiên tòa theo kế hoạch... Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cũng đã được nhiều nước áp dụng và nước ta cũng đã cam kết thực hiện xây dựng Tòa án điện tử tại Hội đồng Chánh án Tòa án tối cao các nước Châu Á -Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, Thường trực Ủy ban Tư pháp còn 2 loại ý kiến. Bên cạnh đa số ý kiến tán thành với TANDTC đề nghị UBTVQH xem xét thì có ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, thì nội dung cho phép cần được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội (tại kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021).
Cần trình Quốc hội quyết định
Mở đầu phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, về mặt chủ trương là ủng hộ, nhưng đề nghị các bên liên quan làm rõ cơ sở pháp lý để trình UBTVQH hay Quốc hội xem xét, quyết định đúng thẩm quyền.
Luật sư Đỗ ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, sau khi tham khảo ý kiến của Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ, Đức, Nhật cho thấy các phiên toà xét xử trực tuyến được các nước này cho phép áp dụng đối với cả dân sự, hành chính và hạn chế áp dụng đối với hình sự.
“Tổ chức xét xử trực tuyến trong điều kiện hiện nay là cần thiết, tuy nhiên phạm vi và đối tượng áp dụng xử như đề xuất là rất rộng. Với xét xử hình sự thì cần thận trọng hơn” – ông Đỗ Ngọc Thịnh nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng để có cơ sở thì UBTVQH cần giải thích thế nào là xét xử trực tiếp trong 3 bộ luật dân sự, hành chính và hình sự hoặc Quốc hội có nghị quyết cụ thể, trong đó thống nhất quan niệm, chứ TAND Tối cao không thể ấn định “trực tuyến” cũng là “trực tiếp”.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cũng nhấn mạnh việc xét xử liên quan quyền con người, quyền lợi và ích cá nhân, tổ chức nên nguyên tắc là cần bàn bạc kỹ lưỡng, thận trọng. Ông cho biết các bộ luật quy định xét xử là trực tiếp bằng lời nói, thực tế cũng có áp dụng một số công đoạn thông qua trực tuyến. Do đó, nếu UBTVQH có thể giải thích luật thế nào là xét xử trực tiếp và có thể sử dụng một số công đoạn trực tuyến thì việc ban hành quy chế sẽ nhanh; nếu không thì phải trình Quốc hội.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Trung tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết về cơ bản Bộ Công an tán thành chủ trương vì báo cáo của TAND tối cao cho thấy có cơ sở chính tị, cơ sở thực tiễn, có nghiên cứu thông lệ quốc tế và phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên do luật định xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục nên cần thống nhất cách giải thích.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ, ngoài việc quy định rõ xét xử trực tiếp bằng lời nói và liên tục thì luật cũng yêu cầu phải xét xử trong phạm vi phòng xử án. Do đó việc UBTVQH giải thích luật là khó khả thi nên đề nghị báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình ra Quốc hội xem xét, quyết định.
Báo cáo thêm tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hoà Bình – Chánh án TAND tối cao cho rằng việc tổ chức phiên toà trực tuyến sớm hay muộn cũng phải làm và thế giới đã thực hiện từ lâu. Câu chuyện trước mắt là do ảnh hưởng bởi Covid-19 nhiều vụ không tập trung xét xử được nên thúc ép triển khai việc này ở nước ta cần nhanh hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Hoà Bình, xét xử trực tiếp là nguyên tắc tư pháp được quy định ở mọi quốc gia, nhưng một nửa thế giới quy định như vậy nhưng vẫn tổ chức phiên toà trực tuyến. Bài toán chuẩn bị phòng xét xử ở điểm cầu phụ cũng được tính đến khi bàn cụ thể xây dựng quy chế, còn hôm nay là trình xin ý kiến về chủ trương. Tuy nhiên vướng một việc là thẩm quyền giải thích “trực tiếp” hay “trực tuyến” nên TANT tối cao trình xin ý kiến UBTVQH.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc TAND tối cao chuẩn bị báo cáo UBTVQH là trách nhiệm và chủ động. UBTVQH ủng hộ chủ trương, song điều quan trọng là cách làm. Ông Vương Đình Huệ khẳng định phương án giải thích luật là không thể vì luật đã quy định cứng. Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội quyết định trong Nghị quyết chung của kỳ họp hoặc bằng một nghị quyết riêng để TAND tối cao thực hiện./.