Chiều 13/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Hầu hết các đại biểu đều khẳng định, xây dựng đường Hồ Chí Minh là chủ trương đúng đắn, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng của đất nước, bên cạnh đó còn có ý nghĩa chính trị rất sâu sắc. Tuy nhiên, với điều kiện ngân sách Nhà nước như hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cần được Quốc hội xem xét.

duong%20ho%20chi%20minh.jpg
Đường Hồ Chí Minh (Ảnh: Hà Nội mới)

Theo đại biểu Lê Văn Học, đoàn Lâm Đồng, đường Hồ Chí Minh tuy mới đưa vào sử dụng song nhiều đoạn đã xuống cấp, nhiều điểm sạt lở thường xuyên, nền đường chưa ổn định, do đó rất tốn kém cho công tác bảo trì, sửa chữa; việc phân luồng chưa đạt yêu cầu. Khi Quốc lộ 1A bị ngập lụt thì đường Hồ Chí Minh theo đó cũng bị sạt lở nhiều nhất. Bên cạnh đó, dịch vụ hai bên tuyến đường còn thiếu, bố trí dân cư còn chưa phù hợp.

Đại biểu Lê Văn Học khẳng định, với 1.350km đã được hoàn thành với khoảng 10 tỷ đồng/1km, là chỉ tiêu đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, tiến độ hoàn thành còn chậm so với Nghị quyết, trong khi đó giai đoạn 2 dự kiến nguồn vốn đầu tư phải gấp 5 lần giai đoạn 1. Với khả năng tài chính đất nước hạn chế như hiện nay, việc thi công toàn tuyến như Nghị quyết đề ra là không khả thi.

Đại biểu Thân Đức Nam, đoàn Đà Nẵng cho rằng, việc điều chỉnh Nghị quyết là cần thiết, bởi nếu đặt mục tiêu đến 2015 thông toàn tuyến là rất khó khăn do áp lực từ nhiều nguồn vốn. Hiện nay, hiệu quả sử dụng đường Hồ Chí Minh còn thấp, trong khi áp lực giao thông tuyến Bắc – Nam không giảm, do đó cần cân nhắc kỹ khi đầu tư nguồn vốn cho giai đoạn 2 và 3.

Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng, theo Nghị quyết, giai đoạn 3 xây dựng thành đường cao tốc trong khi chưa xác định được nguồn vốn, ở đây có sự bất cập giữa chủ trương đầu tư và nguồn vốn Nhà nước.

Đại biểu Thân Đức Nam kiến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý về chính sách, kêu gọi nguồn vốn tư nhân, ưu tiên các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện dự án, nhằm giảm áp lực vốn Nhà nước.

Đại biểu La Ngọc Thoáng, đoàn Cao Bằng đánh giá cao hiệu quả của đường Hồ Chí Minh đối với những địa phương có đường đi qua, đặc biệt với Cao Bằng. Việc điều chỉnh Nghị quyết 38 là hết sức cần thiết.

Ông La Ngọc Thắng dẫn chứng, nếu điều chỉnh để tránh qua 5 đèo ở Cao Bằng, bởi có độ dốc lớn và sẽ rất tốn kém, do đó khi mở theo hướng tuyến mới sẽ khắc phục được những nhược điểm trên.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đoàn Bình Phước đề nghị cần nêu rõ quy mô điều chỉnh, ghi rõ đoạn nào được ưu tiên, giai đoạn nào có 6 làn xe vì liên quan đến hành lang lộ giới, giải phóng đền bù.

“Phân kỳ giai đoạn là cần thiết nhưng phải tôn trọng thiết kế của giai đoạn đầu, tránh lãng phí, như trường hợp giai đoạn 1 là 4 làn xe, nhưng giai đoạn 2 là 6 làn thì có thể phải làm lại, giải phóng mặt bằng thêm, gây lãng phí, tốn kém” – đại biểu Bùi Mạnh Hùng nói./.