Bắt đầu từ hôm nay (5/12), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ. Đây là chuyến thăm nước ngoài khu vực châu Âu đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhằm đẩy mạnh một bước về quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Bỉ từ năm 1973. Nhưng kể từ khi Việt Nam mở Đại sứ quán tại Bruselles đầu năm 1991, quan hệ hợp tác giữa hai nước mới được thúc đẩy và ngày càng đi vào chiều sâu.

Cùng với việc thúc đẩy quan hệ chính trị, tăng cường các cuộc thăm viếng để tạo sự hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau, Việt Nam và Bỉ cũng đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác về các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa và quốc phòng. Trong đó, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước ngày càng tăng.

bi.jpg
Chuyến thăm Vương Quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhằm đẩy mạnh một bước quan hệ hợp tác giữa hai nước

Trong giai đoạn 2000 - 2008, kim ngạch hai chiều tăng trưởng nhanh và ổn định, từ 395,4 triệu USD năm 2000 lên đến 1,369 tỷ USD năm 2008. Việt Nam liên tục xuất siêu khá lớn trong giai đoạn này. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên kim ngạch hai chiều trong 2 năm 2009 và 2010 đều giảm, chỉ đạt từ 1,1  đến 1,2 tỷ USD. Riêng năm nay, tính đến hết tháng 9, kim ngạch thương mại 2 nước đạt gần 1,2 tỷ USD.

Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), (sau Đức, Anh, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha). Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ chủ yếu là giày dép, dệt may, thủy sản, cà phê, túi xách. Các loại sản phẩm khác như gỗ, cao su, nhựa, đá và kim loại quý cũng là những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh và tiềm năng còn lớn.

Việt Nam nhập từ Bỉ chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép, hóa chất, tân dược. Bỉ là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong EU và thứ 3 châu Âu (sau Nga và Ukraine) về sắt thép; là thị trường lớn thứ 4 trong EU về máy móc thiết bị và phụ tùng.

Tính đến nay, Bỉ có 39 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư trên 100 triệu USD, đứng thứ 38 trong tổng số 91 nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Trong đó, có hơn 70% số vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp và chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phía Nam.

Về hợp tác phát triển, Việt Nam và Bỉ được bắt đầu triển khai từ năm 1977, tuy bị gián đoạn một thời gian, nhưng hiện nay, Việt Nam là nước châu Á duy nhất được nhận hỗ trợ phát triển của Chính phủ Bỉ.

Riêng giai đoạn 2007-2010, Bỉ viện trợ cho Việt Nam 37,5 triệu euro, nhằm ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bỉ cũng đã triển khai 20 dự án hợp tác với quy mô vừa và nhỏ trong khuôn khổ Chương trình định hướng hợp tác Việt - Bỉ giai đoạn 2007 - 2010 ; chủ yếu là giúp các địa phương phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo.

Vào giữa năm nay, Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Bỉ về Hợp tác Kinh tế lần đầu tiên đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là bước triển khai thỏa thuận giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ năm 2009 và sẽ là cơ chế trao đổi cấp Chính phủ về các lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tới Vương Quốc Bỉ lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng; thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với tất cả các nước; cũng như góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bỉ nói chung và giữa Quốc hội ta và Hạ viện Bỉ nói riêng./.