Đêm qua (28/6), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta đã về tới Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.

Chuyến thăm đã đặt dấu mốc lịch sử mới nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong nội khối ASEAN vì hoà bình phát triển của khu vực.

Đã gần 6 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xây đắp nên tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử mối quan hệ Việt Nam- Indonesia đang ngày càng có bước phát triển mạnh mẽ. Chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, nhất là kể từ khi triển khai “Tuyên bố về Khuôn khổ Hợp tác Hữu nghị và Toàn diện bước vào Thế kỷ 21” năm 2003. Chính vì thế, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đánh giá rất cao ý nghĩa của chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Việt Nam tới Indonesia kể từ năm 2001 và dành cho Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta sự đón tiếp trọng thị.

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển trong gần 60 năm qua và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

ctn-viet-luu-niem-tai-tru-s.jpg
Chủ tịch nước viết lưu niệm tại trủ sở ASEAN

Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam-Indonesia thành Đối tác Chiến lược. Việt Nam cũng là nước duy nhất trở thành đối tác chiến lược của Indonesia trong khu vực Đông Nam Á, đã ghi dấu mốc lịch sử quan trọng và mở ra triển vọng mới trong quan hệ giữa hai nước. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định.

“Trong chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước và trong các cuộc tiếp xúc hội đàm và trao đổi với các nhà lãnh đạo Indonesia, có thể thấy rằng hai nước thống nhất rất cao trên các vấn đề song phương cũng như việc hợp tác phối hợp với nhau trên diễn đàn đa phương. Hai nước nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia. Và chính việc thiết lập đối tác chiến lược là cơ hội, bước phát triển mới thắt chặt hơn nữa quan hệ gần gũi, tin cậy vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình ổn định của khu vực”.

Bên cạnh việc ghi dấu mốc lịch sử trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia, hai bên đã đạt bước đột phá mới trong hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều, phấn đấu vượt 5 tỷ USD trước năm 2015 và đạt 10 tỷ USD vào năm 2018; đồng thời đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước đầu tư vào nhau. Thông qua cuộc tọa đàm giữa doanh nghiệp 2 nước với sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hai bên cũng đã thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực lương thực, thủy sản, than, khoáng sản, dầu khí…

Đặc biệt, trong các cuộc hội đàm, trao đổi giữa các bộ ngành hai bên nhất trí đẩy mạnh triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Biển và Nghề cá nhằm khai thác nhiều hơn tiềm năng to lớn trong lĩnh vực này. Hai bên nhất trí đưa ra một giải pháp tạm thời đối với vấn đề phân định vùng đặc quyền kinh tế nhằm tạo điều kiện cho hoạt động nghề cá, trong khi vẫn tiếp tục đàm phán để đi đến giải pháp cuối cùng. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Chúng ta thỏa thuận với Indonesia, trước hết là trao đổi thông tin về nghề cá. Chúng ta thỏa thuận với bạn khi mà xử lý những vụ việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển Indonesia trên tinh thần nhân đạo, hữu nghị.

Thông qua nội dung đàm phán giữa Chủ tịch nước và Tổng thống Indonesia rất hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, mặt khác tổ chức đưa các doanh nghiệp chúng ta liên doanh với doanh nghiệp Indonesia để đưa một cách hợp pháp ngư dân và tàu thuyền của chúng ta sang khai thác hải sản ở vùng biển của Indonesia  một các hiệu quả hơn”.

Cùng với đạt được kết quả quan trọng về kinh tế thương mại, chuyến thăm của Chủ tịch nước cũng mở ra chương mới trong hợp tác quốc phòng-an ninh. Hai bên ghi nhận những bước phát triển tích cực trong việc thực hiện Hiệp định Hợp tác Phòng chống Tội phạm; nhất trí xúc tiến đàm phán, sớm ký kết Quy chế về tuần tra phối hợp giữa Hải quân hai nước tại vùng biển tiếp giáp và nhanh chóng triển khai trên thực địa, góp phần duy trì ổn định và an ninh trên biển; đồng thời nghiên cứu thành lập các cơ chế Đối thoại Chính sách về an ninh và quốc phòng phù hợp. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, chống khủng bố, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống… Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Hai bên cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông và hoan nghênh Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm DOC cũng như các bước triển khai cụ thể tiếp theo của các Tuyên bố này.

Trong hợp tác quốc tế, hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường tham vấn và phối hợp lập trường chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong ASEAN và Liên hợp quốc. Hai bên nhất trí cho rằng các thành viên ASEAN cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào năm 2015; ASEAN cần tăng cường đoàn kết và có tiếng nói chung về các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh chung của khu vực nhằm phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Điểm nhấn nổi bật trong khuôn khổ chuyến thăm là bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước ta thăm Trụ sở Ban Thư ký ASEAN, khẳng định sự coi trọng vị trí ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với khu vực. Chủ tịch Nước cho rằng, lịch sử 46 năm của ASEAN có nhiều bài học kinh nghiệm qúy báu, trong đó đáng chú ý là tư duy và cách tiếp cận về hợp tác bình đẳng, cùng có lợi thay cho đối đầu; đoàn kết, đồng thuận, thay cho chia rẽ, áp đặt, để từ đó ASEAN từng bước vượt qua các rào cản, khó khăn, mở rộng và gắn kết toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á dưới một mái nhà chung, trên tinh thần một cộng đồng đùm bọc và chia sẻ. Chủ tịch Nước nhấn mạnh, bối cảnh quốc tế và khu vực đang biến động không ngừng, với những cơ hội và thách thức đan xen. Hơn bao giờ hết, ASEAN càng phải giữ vững bản sắc truyền thống, phát huy bản lĩnh vững vàng, linh hoạt trong ứng phó với các vấn đề nảy sinh trong đó có vấn đề Biển Đông.

An ninh, an toàn, và tự do hàng hải tại Biển Đông là vấn đề quan trọng và quan tâm chung của khu vực và các nước. ASEAN cần chủ động đóng góp xây dựng và phát huy các nguyên tắc chung như đã được thể hiện trong Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982; tiếp tục đẩy mạnh việc sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”- Chủ tịch nước phát biểu.  

“Sự kiện Chủ tịch nước ta tới thăm và có phát biểu quan trọng tại Ban Thư ký ASEAN đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của chính giới và dư luận trong và ngoài ASEAN, xem đây là minh chứng về những cam kết và đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển lớn mạnh của ASEAN.

Có thể khẳng định rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biếu cấp cao Việt Nam tới Indonesia – nước có vai trò quan trọng hàng đầu trong ASEAN và là đối tác gần gũi truyền thống của Việt Nam- đã thành công tốt đẹp, một lần nữa khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng và khu vực, trong đó có Indonesia. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Indonesia sẽ phát triển tốt đẹp, phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước cũng như đóng góp xứng đáng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.