Đến thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn thành Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở. Có thể thấy, các cấp ủy đã chủ động tích cực chuẩn bị các văn kiện đại hội theo đúng chỉ đạo của Trung ương và tinh thần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng”.
Tuy nhiên, từ thực tế tại Đại hội cấp trên cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, thời gian dành cho thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện tại một số đại hội còn ít, việc tham gia ý kiến còn mang tính xuôi chiều, nặng về báo cáo thành tích và ít tranh luận tại đại hội.
Các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã sôi nổi thảo luận và thống nhất cao về 4 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới. Với đặc thù của huyện thuần nông vùng U Minh Thượng, An Biên tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá đầu tiên.
Đại hội đảng bộ thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất cao về các giải pháp chủ yếu như: Tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường.
Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tập trung thảo luận phát triển đô thị Phú Mỹ bền vững gắn với lợi thế công nghiệp, cảng biển trong quy hoạch phát triển của tỉnh và của vùng…
Đó chỉ là một vài ví dụ điển hình của đại hội cấp trên cơ sở vừa qua tổ chức tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các khâu đột phá. Mỗi đại hội có từ 8 đến 15 tham luận tại hội trường; nhiều ý kiến đi thẳng các giải pháp xử lý những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm. Do đó, đã tạo được đồng thuận, thống nhất và thông qua Nghị quyết Đại hội.
Nhìn tổng thể những hạn chế, thiếu sót từ Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, ở một số đại hội việc thảo luận còn hình thức, nặng về báo cáo thành tích của địa phương, đơn vị hoặc chỉ tham luận những nội dung nặng về chuyên môn, ít đề cập vai trò lãnh đạo của cấp ủy. Tham dự Đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, nhiều đảng viên cũng nhìn nhận được vấn đề này và cho rằng, thời gian Đại hội diễn ra ngắn, ít tham luận đóng góp ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết cả Đại hội. Có tình trạng Đại hội trong báo cáo chính trị, văn kiện thường nặng về thành tích, ít nhìn nhận những vấn đề còn hạn chế, khuyết điểm thiếu sót. Có những báo cáo chính trị dài 18 trang, nhưng hạn chế khuyết điểm dài 3-4 dòng.
Tham gia ý kiến trực diện tại Đại hội rất quan trọng nhưng phải có tính tập trung, dân chủ. Đó là nguyên tắc bất di, bất dịch của Đảng. Cũng có thể thấy thực tế ở một số đại hội, đại biểu chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu nên chưa tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình đại hội, nhất là báo cáo chính trị trình đại hội cấp trên. Ý kiến tham luận tại đại hội chưa phân tích làm rõ hạn chế, nguyên nhân, kinh nghiệm, giải pháp đề ra nên chưa sát với thực tế.
Nhìn nhận những hạn chế từ Đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Lê Trường Lưu cho rằng, thực tế việc đóng góp các văn kiện của Đảng bộ cấp trên ở đại hội chưa nhiều.
“Thực chất thời gian đại hội không nhiều, bước thực hiện thảo luận đóng góp cho các Văn kiện của Đảng bộ cấp trên ở đại hội thì chưa nhiều. Tuy nhiên xét lại quá trình thì các bước này đã được từng chi bộ trực thuộc rồi đến các đảng bộ trực thuộc tổ chức nhiều phiên thảo luận và tổng hợp thành một báo cáo đóng góp chung cho văn kiện cấp trên và sau đó báo cáo này được trình bày tại Đại hội hoặc Đại hội trù bị. Qua báo cáo này, cơ bản khi ra Đại hội, các đảng viên đều thống nhất với báo cáo đã được thảo luận một cách kỹ lưỡng”, ông Lê Trường Lưu nêu thực tế.
Để việc góp ý văn kiện Đại hội không xuôi chiều, không nặng về báo cáo thành tích và tăng tính tranh luận tại Đại hội thì vai trò của Đoàn Chủ tịch trong việc gợi ý thảo luận rất quan trọng. Qua đó, tạo không khí sôi nổi, tranh luận, phản biện tại Đại hội, góp nhiều ý tưởng mới, sáng tạo và khả thi, thông qua Đại hội hoàn thiện các văn kiện.
Theo ông Phạm Mạnh Khởi, Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng-đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương, việc gợi ý thảo luận cần tập trung vào những vấn đề mới, những vấn đề khó, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến địa phương, cơ quan, đơn vị. Tài liệu của Đại hội phải được gửi trước để đại biểu có thời gian chuẩn bị ý kiến một cách sâu sắc, có chất lượng, từ đó trình bày ý kiến tại Đại hội.
“Nếu để ra Đại hội góp ý thì đại biểu không đủ thời gian để nghiên cứu, không đủ thời gian để chuẩn bị các ý kiến có chất lượng và kỹ lưỡng. Cho nên, phải gửi trước gợi ý cho các đại biểu cùng với các tài liệu của đại hội. Việc làm này mặc dù có vẻ đơn giản về mặt quy trình, nhưng có tác dụng rất lớn. Thứ hai trong quá trình điều hành Đại hội, Đoàn Chủ tịch có thể chủ động gợi ý thêm cho các đại biểu tiếp sau có thể cùng tranh luận, thảo luận vào những vấn đề Đại hội đang quan tâm, tạo ra không khí tranh luận, thảo luận tại Đại hội", ông Khởi phân tích.
Một việc quan trọng nữa, đó là cần bố trí một thời gian hợp lý, trong quá trình diễn ra Đại hội để các đại biểu có đủ thời gian trình bày hết ý kiến tâm huyết, suy nghĩ, trăn trở của mình đối với các văn kiện của Đại hội 13 cũng như là của Đại hội Đảng bộ cấp trên và cấp mình. Nếu các đại hội làm tốt những điểm này thì việc thảo luận tại Đại hội sẽ rất hữu ích, có hiệu quả, hội tụ trí tuệ của các đại biểu đóng góp cho thành công Đại hội.
Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý Luận Trung ương khẳng định: các ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên từ tất cả các tổ chức đảng có tác động tích cực đến quá trình xây dựng, hoàn thiện Văn kiện Đại hội Đảng.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, ý kiến của cán bộ, đảng viên góp phần xác định chính xác hơn, rõ ràng hơn các luận điểm cơ bản, bổ sung để làm phong phú, chặt chẽ hơn những nhận định, đánh giá về tình hình thực tế, đóng góp những ý tưởng, cách nghĩ, cách làm mới để hoàn thiện các nội dung, giải pháp phát triển cho từng lĩnh vực. Đó chính là sự tập trung trí tuệ của toàn Đảng trong xây dựng đường lối. Đó chính là thể hiện rất tập trung của sự thống nhất ý chí trong toàn Đảng./.