Văn kiện Đại hội XII xác định “Quản lý tốt sự phát triển xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân, thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh an toàn” là một trong những nhiệm vụ tổng quát trong giai đoạn phát triển đất nước 5 năm 2016-2020.

Ở nước ta, an sinh xã hội được chú trọng như một sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, được thể hiện ngay trong Hiến pháp đầu tiên 1946 của nước ta. Hiến pháp đã ghi nhận quyền được hưởng BHXH của công nhân viên chức nhà nước, việc chăm sóc những người có công, người già, tàn tật, trẻ mồ côi. An sinh xã hội là một trong những trụ cột cơ bản trong hệ thống chính sách được Đảng và Nhà nước ta quan tâm xây dựng. Việc xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng, đó là tạo thêm việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân, thành tích xóa đói giảm nghèo được thế giới công nhận, làm tốt công tác hỗ trợ thường xuyên đối với những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ đột xuất giúp khức phục khó khăn cho người dân khi gặp rủi ro trong cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.  Nhờ đó, tỷ lệ nghèo giảm nhanh, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng, năng lực của người dân về phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục những rủi ro để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng được nâng lên.

Theo Thạc sỹ Mai Thị Hương Giang, Tạp chí Cộng sản, đảm bảo an sinh xã hội là yêu cầu và điều kiện cần thiết của sự ổn định, phát triển đất nước, góp phần thực hiện hóa các quyền xã hội của mọi người dân, đặc biệt là những người nghèo khó, những nhóm yếu thế trong xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hoạt động đảm bảo an sinh xã hội ngày càng được triển khai có hiệu quả, trở thành một điểm sáng trong thực hiện nhân quyền ở Việt Nam.

Hệ thống an sinh xã hội còn những bất cập

PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng hệ thống an sinh xã hội của nước ta hiện còn những bất cập. Trong đó mức độ bao phủ, mức độ trợ cấp còn thấp và chưa được điều chỉnh kịp thời, nhất là khi giá cả biến động, lạm phát tăng cao. Nỗ lực tạo việc làm và dảm bảo việc làm đầy đủ, việc làm bền vững cho các nhóm lao động đặc thù, nhất là thanh niên và lao động nông thôn vẫn là thách thức lớn. Tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp, đa số người già đang sống dựa vào nguồn tích lũy, vào các thành viên khác trong gia đình và trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân là một thách thức lớn khi chất lượng khám chữa bệnh cong yếu kiém. Đối tượng hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên chỉ chiếm 2% dân số, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Mức trợ giúp xã hội đột xuất mới chỉ bù đắp được khoảng 10% thiệt hại của hộ gia đình, hệ thống dịch vụ xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và có xu hướng loại trừ đối với một số nhóm yếu thế.

bhxh_xkzg.jpg
Các loại hình BHXH còn hạn chế, chưa đa dạng hóa (ảnh minh họa: internet)

BHXH- một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, tuy gần đây đã được mở rộng về đối tượng tham gia song mức độ che phủ còn quá nhỏ trong toàn xã hội. Các loại hình BHXH còn hạn chế, chưa đa dạng hóa, thủ tục thanh toán còn nhiều trở ngại, quy định tham gia chưa hấp dẫn người dân nông thôn và mức bảo hiểm chưa góp phần giảm thiểu và bù đắp các thiệt hạn khi rủi ro. Tỷ lệ tham gia không cao do hạn chế về chất lượng dịch vụ và đồng lương thực tế của người lao động quá thấp. Trong khi đó, tình trạng các doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động trốn tránh, nợ đọng và chây ì đóng BHXH còn kéo dài trong nhiều năm đã hạn chế phần lớn hiệu quả của chính sách BHXH. Hoạt động của quỹ BHXH chưa bền vững, thiếu minh bạch với tình trạng báo động vỡ quỹ trong tương lai gần.

PGS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng, Việt Nam vẫn tụt hậu khá xa so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới về an sinh xã hội. Điều này đã trở thành một thách thức đối với phát triển bền vững và hội nhập. So với đổi mới tư duy về mô hình kinh tế, việc đổi mới tư duy về mô hình an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội còn chậm, vẫn nặng tư tưởng coi an sinh xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, chưa thu hút được các thành phần kinh tế, các nguồn lực cho hoạt động quan trọng này. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước nhằm thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách công, với diện che phủ thấp và mức hỗ trợ có hạn.

Người dân phải được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản

Bảo đảm an sinh là một vấn đề lớn, phức tạp, luôn biến động, tác động đến hầu hết thành phần dân cư. Theo nhiều chuyên gia, trước tình hình thế giới có nhiều biến động, trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với với nhiều rủi ro mới về kinh tế, xã hội và môi trường với quy mô và con tần xuất ngày càng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và phúc lợi của người dân, đặc biệt là các rủi ro về thiên tai, biến đổi khí hậu… Nhiều rủi ro rình dập, như đau ốm, tai nạn, thiên tai, dịch bệnh luôn là những cú sốc đối với người nghèo, các nhóm yếu thế, đe dọa tính mạng và an sinh xã hội.

PGS.TS Đặng Nguyên Anh cho rằng, cần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và hướng tới một xã hội an toàn, trong đó mọi thành viên có thể phát huy cao nhất năng lực cá nhân của mình. Đó cũng là một xã hội có nhiều sự lựa chọn cho người dân. Một xã hội trung lưu thịnh vượng và đa dạng hơn sẽ có những đòi hỏi mới đối với Nhà nước trong việc điều hành, cung cấp dịch vụ công, cũng như phản ứng linh hoạt trước cầu ngày càng đa dạng của người dân. Trong bối cảnh đó, an sinh xã hội cũng cần phải có sự thay đổi tương xứng để thích ứng, hệ thống an sinh cần được xây dựng hiện đại. Cần tránh tình trạng sau khi vụ việc xảy ra rồi mới lo đối phó, khắc phục.

“Để có thể nâng cao tỷ lệ tham gia và khả năng tiếp cận an sinh xã hội trong toàn dân, giải pháp tốt nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ an sinh xã hội. Người dân sẽ tin tưởng hơn vào hệ thống an sinh xã hội cũng như vào sự công bằng của các chính sách. Nhà nước giữ vai trò điều phối, giám sát và hoạch định chính sách, thay cho việc làm thay hoặc trực tiếp thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Đổi mới quản lý Nhà nước  về an sinh xã hội trên cơ sở thống nhất và thu gọn đầu mối quản lý các chương trình, tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ, đồng thời hiện đại hóa, tin học hóa công tác quản lý an sinh xã hội, đào tạo các nhân viên công tác xã hội và có chế độ chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ này”- PGS.TS Đặng Nguyên Anh đề xuất.

Trên thực tế cho đến nay, những người làm việc trong khu vực phi chính thức chưa được tiếp cận với BHXH, mà chủ yếu dựa vào lưới BHXH truyền thống là gia đình, họ hàng. Trong khi đó, quá trình CNH, HĐH đã và đang phá vỡ lưới bảo hiểm xã hội truyền thống này, đặt ra thách thức cho những người cần được hỗ trợ khi gặp khó khăn. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội cho mọi người là một mục tiêu lâu dài cần những nỗ lực lớn hơn. Các rủi ro khó lường hơn trong nền kinh tế thị trường hội nhập sâu và biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường làm xuất hiện những nhóm yếu thế mới, luôn chiếm một tỷ lệ nhất định trong dân số. Xây dựng các chính sách bảo trợ đối với nhóm dân số có sinh kế chủ yếu dựa vào tự nhiên và thiếu các nguồn lực này nhằm đảm bảo sự phát triển đồng đều, giảm bất bình đẳng xã hội.

“Tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản là vấn đề đặc biệt quan trọng trong chính sách an sinh xã hội nhằm hướng đến mục tiêu công bằng xã hội. Cần nhanh chóng loại bỏ những rào cản liên quan đến các thủ tục hành chính để các nhóm yếu thế như người di cư, người nghèo, người nhận trợ giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ cơ bản một cách công bằng”- PGS.TS Lê Thanh Sang, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Theo GS.TS Phạm Xuân Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, việc kết hợp giữa phát triển kinh tế xã hội với bảo đảm an sinh xã hội phải triệt để khắc phục những tàn dư của chế độ phân phối theo kiểu bao cấp, bình quân, cào bằng như sai lầm của thời kỳ trước đổi mới. Cũng không thể dồn phần lớn của cải làm ra để thực hiện an sinh xã hội vượt quá khả năng mà các nguồn lực vật chất và nguồn lực con người của đất nước có thể cho phép. Do đó, trong mỗi bước đi, mỗi thời điểm cụ thể của quá trình xây dựng đất nước, phải tìm ra đúng sự tương thích giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, sao cho những mặt này không cản trở nhau, mà hỗ trợ nhau cùng phát triển./.