Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành, Đảng ủy cần lựa chọn một số vụ việc nổi cộm ở địa phương, đơn vị để kiểm tra, giám sát và có hình thức kỷ luật nghiêm minh để tạo niềm tin trong nhân dân. Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra hôm nay tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng khẳng định, 6 tháng qua, toàn ngành đã kiểm tra, làm rõ nhiều vụ việc và kết luận rõ ràng. Trong đó, có vụ việc thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta về kỷ luật đảng trong giai đoạn mới, từng bước tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời cho thấy quyết tâm của Đảng trong đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng.

Số lượng các cuộc kiểm tra tăng so với cùng kì năm ngoái, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

tran_quoc_vuong_unef.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 855 tổ chức đảng và hơn 3500 đảng viên. Riêng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra 9 tổ chức và 15 đảng viên, đề nghị Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng và 6 đảng viên.

Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 87 tổ chức đảng và hơn 6000 đảng viên, tăng 61% tổ chức và 16% số đảng viên so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 5 đảng việc thuộc diện Trung ương quản lý, Ban chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật một cán bộ cấp cao của Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp cũng đã thi hành kỷ luật hơn 1600 đảng viên, tăng 25% so với cùng kì.

Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, qua công tác kiểm tra, giám sát rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện công tác của ngành. Đó là phải lựa chọn đúng vấn đề cần kiểm tra. Trong từng cuộc kiểm tra phải xác định rõ trọng điểm của vụ việc, nắm chắc phạm vi kiểm tra.

Việc phát hiện dấu hiệu vi phạm trước hết thông qua công tác theo dõi của ủy ban kiểm tra đối với địa bàn, lĩnh vực, đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý; qua công tác giám sát, tài liệu của các ngành kiểm toán, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án; coi trọng đơn thư của cán bộ, đảng viên, công dân và thông tin của báo chí...

Ông Trần Quốc Vượng lưu ý, khi xem xét kỷ luật phải công tâm, khách quan, toàn diện, kiên quyết; kết luận của ủy ban kiểm tra phải khiến người vi phạm nhận ra khuyết điểm. Đồng thời, công tác "hậu" kiểm tra phải làm đến nơi, đến chốn, thực hiện nghiêm các quyết định, kiến nghị của ủy ban kiểm tra; chú trọng công tác tuyên truyền trên báo chí, thông tin kịp thời kết luận của ủy ban kiểm tra đối với các vụ việc...

Những tháng còn lại của năm nay, ông Trần Quốc Vượng đề nghị ủy ban kiểm tra các cấp tham mưu cho cấp ủy xây dựng quy định về kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của cán bộ đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12. Đồng thời, lựa chọn một vài vụ việc nổi cộm ở địa phương, đơn vị mình để kiểm tra, giám sát.

Ông Trần Quốc Vượng nêu rõ: "Từ nay đến cuối năm, ít nhất mỗi tỉnh phải có 1, 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Mỗi tỉnh chỉ cần một cuộc thôi thì cả nước đã có 63 cuộc rồi. Đừng có nhận thức cứ kiểm tra dấu hiệu vi phạm là có kỷ luật, không hẳn như vậy. Nếu kiểm tra, thấy vi phạm chưa đến mức thì kỷ luật ai làm gì, chỉ yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc và sửa chữa khuyết điểm"

"Cho nên, các đồng chí đừng lo cứ mở các cuộc kiểm tra mà không kỷ luật được ai thì coi như thất bại, không phải thế. Chúng ta có nhiều biện pháp giám sát, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, kiểm tra chấp hành. Chọn những vấn đề trọng tâm, ở địa phương nổi lên" - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh./.