Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về trách nhiệm của tập thể Ban Cán sự Đảng và một số lãnh đạo Bộ Thông tin-Truyền thông trong vụ hợp đồng MobiFone mua AVG tiếp tục là một minh chứng cụ thể cho quyết tâm siết chặt kỷ luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu của Đảng. Bất cứ cá nhân, tập thể nào làm không tốt đều phải chịu trách nhiệm trước kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đây là đánh giá của PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

nguyentrongphuc5_1__vov_pwjv.jpg
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (Ảnh: Bình Cận)
“Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương không chỉ chỉ rõ sai phạm của lãnh đạo đương nhiệm của Bộ Thông tin-Truyền thông mà của cả lãnh đạo tiền nhiệm trong vụ việc này, càng thuyết phục tôi về tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước”, vị PGS-TS bày tỏ.

Ông Nguyễn Trọng Phúc cũng nhấn mạnh: “Cùng với Quy định mới đây của Bộ Chính trị về trách nhiệm thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công tác phòng chống tham nhũng, thực chất là tăng quyền hạn cho Ủy ban Kiểm tra các cấp để có những kiến nghị, đề xuất xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên thật nghiêm minh, tôi cho đây là dấu hiệu đáng mừng, tiếp nối tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về vấn đề cán bộ, nhấn mạnh tính kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế”.

Đồng tình với quan điểm cho rằng công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng hiện nay không chỉ là “tắm” từ trên đầu xuống, mà nó đang được “tắm” nhiều lần trong ngày, ông Phúc bình luận thêm: “Từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho đến Nghị quyết Trung ương 6, rồi Nghị quyết Trung ương 7, Đảng vẫn thống nhất quan điểm chống tiêu cực, chống tham nhũng, suy thoái trong Đảng là không có vùng cấm, không có việc “hạ cánh” an toàn, cán bộ đã thôi chức vụ, nếu phát hiện mắc sai phạm đều phải xử lý theo đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trừ một ai, dù ở bất kỳ cương vị nào. Cách nói hình ảnh “tắm” từ trên đầu xuống thực chất thể hiện quan điểm chống tiêu cực của Đảng là không có vùng cấm. Quan điểm ấy vẫn đang là chỉ đạo xuyên suốt của Đảng”.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cũng nhận định, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng khi ý chí, quyết tâm ấy đã được chuyển thành Nghị quyết của Đảng, không chỉ một lần mà được nhắc lại nhiều lần với những cấp độ ngày càng cao trong các Nghị quyết của Đảng. Quan điểm chỉ đạo của Đảng buộc mọi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng phải tuân thủ.

“Chỉ có điều Đảng phải lựa chọn phương pháp, cách thức ra sao để đạt hiệu quả cao nhất, đó là xử lý đúng người, đúng tội không gây xáo trộn, căng thẳng, thậm chí hiểu lầm trong bộ máy, không để các phần tử chống đối, thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong Đảng, trong xã hội”, ông Phúc nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Trọng Phúc: "Đảng ta không hề thiếu cán bộ tài giỏi, đạo đức để gánh vác trọng trách" (Ảnh: Bình Cận)

Mục tiêu của Đảng là tiến hành một cách thận trọng, từng bước vững chắc, nhưng đạt được hiệu quả, không chỉ xử lý đúng người, đúng tội mà còn thu lại được tiền bạc, tài sản những kẻ tham nhũng đã chiếm đoạt. Do vậy cũng không cần phải lo ngại, công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng có lúc “bùng” lên dữ dội, có lúc êm ả, nhưng quan điểm làm đến cùng của Đảng ta là rất rõ ràng. Cùng với quy định mới của Bộ Chính trị tăng thêm thẩm quyền, trách nhiệm cho Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng, rõ ràng Đảng đang chống tiêu cực, tham nhũng một cách quyết liệt, không hề có sự nương nhẹ hay thoái lui.

Bày tỏ quan điểm trước luồng ý kiến cho rằng việc xử lý kỷ luật, thậm chí đưa ra xét xử trước pháp luật đối với những cán bộ sai phạm sẽ khiến Đảng mất cán bộ, không còn người để làm việc, ông Phúc quả quyết, Đảng ta không hề thiếu cán bộ tài giỏi, đạo đức để gánh vác trọng trách. Vì vậy, phải hiểu rằng, việc Đảng quyết liệt chống tiêu cực, suy thoái không chỉ lôi ra ánh sáng những phần tử xấu mà qua đó sẽ thấy được ai là cán bộ tốt, cán bộ giỏi để lựa chọn đưa vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược như yêu cầu của Hội nghị Trung ương 7 vừa rồi.

“Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng điều đó bởi rõ ràng nếu chúng ta không có đội ngũ cán bộ tài, đức làm sao chúng ta có được thành quả đổi mới như hiện nay cũng như 30 năm qua. Đúng là đã có những luồng suy nghĩ như vậy, nhưng thực tế là câu trả lời đúng đắn nhất. Cá nhân, tổ chức nào mắc sai phạm đến mức phải xử lý thì không thể không xử lý. Và chính việc xử lý sẽ giúp cán bộ biết đứng dậy sau những vấp ngã, biết lựa chọn con đường đúng đắn để bước tiếp, có thể trở thành người cán bộ tốt, chứ không phải để dìm không cho người ta đứng dậy. Chúng ta không thiếu những cán bộ giỏi, toàn tâm toàn ý với nhân dân, với đất nước nhưng quan trọng là Đảng có tìm ra được những cán bộ như thế hay không”, ông Phúc bày tỏ./.