Hòa cùng dòng người cổ vũ diễu binh, diễu hành trong buổi sáng 2/9 trên đường phố Hà Nội, có nhiều người đã từng được chứng kiến ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử cách đây 70 năm. Ông Đậu Quý Hạ, ở phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm Hà Nội nhìn đoàn diễu hành đi qua mà quá khứ ngày 2/9/1945 trong ông lại ùa về, cảm xúc thật đặc biệt.
Có thể gói gọn cảm xúc của người dân khi chứng kiến lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh bằng 2 từ tự hào và trách nhiệm (Ảnh: Ngọc Thành)

“Nhớ năm 45, nhớ quá, ngày này của năm 45 không thể nào quên được, toàn dân đều hồ hởi lắm, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con tinh thần cứ sôi lên. Ngày đó bà con còn nghèo khổ lạc hậu bây giờ đời sống của người dân đã có bước tiến rất xa, tiến bộ nhiều”, ông Hạ nhớ lại.

Nhiều cựu chiến binh đã từng đi qua các cuộc kháng chiến đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc không khỏi xúc động khi chứng kiến buổi lễ. Hơn ai hết, họ là những người hiểu được giá trị của độc lập tự do, bởi để có được nền độc lập, tự do như hôm nay, biết bao đồng đội đã hy sinh và chính họ cũng đã hiến trọn tuổi thanh xuân và một phần xương máu của mình cho Tổ quốc. Ông Trương Quang Duật, quê ở Phú Thọ người đã cống hiến 17 năm tuổi thanh xuân của mình của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi. Có ngày hôm nay, rất nhiều người đã phải nằm xuống trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành độc lập. Những lúc này tôi lại thấy nhớ đến họ, họ đã hy sinh để chúng ta có được ngày lễ độc lập, ý nghĩa như hôm nay”.
phu_do_1_tr_kkfg.jpg
Người dân chào đón đoàn diễu binh, diễu hành trên đường phố Hà Nội (Ảnh: Trọng Phú)

Theo dõi Phát thanh, Truyền hình trực tiếp về buổi lễ diễu binh, diễu  hành chào mừng 70 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và nhất là bài Diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi lễ, bà con nhân dân các dân tộc Sơn La đều cảm thấy tự hào về lịch sử hào hùng dân tộc, về sự đổi mới của đất nước.

Ông Tòng Lục Quân, cán bộ hưu trí ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bày tỏ sự xúc động khi nghe Chủ tịch nước đọc Diễn văn chào mừng 70 năm Quốc khánh. Bài diễn văn đã ôn lại những mốc son hào hùng, oanh liệt của dân tộc trong quá trình đấu tranh giành độc lâp, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Qua đó, mỗi người Việt Nam được ôn lại quá khứ lịch sử, hy sinh mất mát của các thế hệ cha ông ta, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Ông Hà Văn Lên, Tổ 3, Phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La không chỉ cảm thấy vinh dự, tự hào về dân tộc mà càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, nguyện sẽ theo Đảng, theo cách mạng đến cùng.
Ông Phan Thanh Vị

Ông Phan Thanh Vị, 86 tuổi, ở số  nhà 124, đường Phạm Văn Đồng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum không giấu nổi xúc động khi nói về công lao của Đảng, của Bác, sự đoàn kết nhất trí của cả hệ thống chính trị, lòng dân để đất nước có được ngày hôm nay. Ông cũng tin tưởng vào sự quyết tâm của Đảng thể hiện trong bài Diễn văn của Chủ tịch nước: Dân giàu- Nước mạnh- Dân chủ- Công bằng- Văn minh. Chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực đưa đất nước ta lên hạnh phúc hơn. 

Ông Trần Hữu, phường Thuận Hòa, thành phố Huế bày tỏ: “Ngoài việc ôn lại truyền thống cách mạng tháng Tám, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong thời đại ngày nay, toàn Đảng toàn dân cần phải đoàn kết ra sức xây dựng đất nước ngang tầm với các nước trong khu vực.  Trước bối cảnh thế giới có nhiều phức tạp muốn làm như vậy đỏi hỏi chúng ta phải chấp nhận tất cả sự khác biệt để đem lại lợi ích cho dân tộc, đưa đất nước đi đến thắng lợi. Điều đó là một điều rất mới trong bối cảnh hiện nay để xứng đáng việc làm của các bậc tiền bối đi trước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ông Ngô Văn Dũng, một Việt kiều từ Liên bang Nga về đầu tư xây dựng các dự án tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bày tỏ sự kỳ vọng vào tương lai của đất nước qua Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

“Tôi cảm nhận sau 70 năm xây dựng và trưởng thành, Việt Nam đang mở rộng cánh cửa chào đón các nhà đầu tư. Bài phát biểu của Chủ tịch nước khiến một Việt kiều như tôi càng có thêm quyết tâm, trách nhiệm của con Lạc cháu Rồng đóng góp xây dựng đưa đất nước Việt Nam vững mạnh và vững chắc”, ông Dũng nói.
Ảnh: Vũ Toàn

Tại Gia Lai, đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng dõi theo lễ buổi tường thuật trực tiếp Lễ duyệt binh, diễu hành kỷ niệm 70 Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Với cảm xúc hồi hộp và tự hào trước buổi lễ trang nghiêm, hoành tráng, ông Nay Nô (dân tộc Jarai) ở đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Pleiku nêu cảm nghĩ của mình: “Tôi tự hào khi được chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành thật hoành tráng, thể hiện rõ sức mạnh to lớn của các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, đủ sức để gìn giữ và phát triển đất nước. Bài diễn văn của Chủ tịch nước rất sâu sắc, không chỉ điểm lại quá trình hoạt động và những thành tựu đạt được mà còn như một sự nhắc nhở, động viên mỗi người dân Việt Nam trong giai đoạn hội nhập, nhiều thách thức biết hợp sức để giữ gìn sự trường tồn của nước nhà”.
Ông Trần Văn Hoàn

Ông Trần Văn Hoàn, ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cảm nhận được sâu sắc bài diễn văn chào mừng 70 năm Quốc khánh của Chủ tịch nước. “Chủ tịch nước đã nhắc đến những vấn đề tôi thấy thấm thía lắm. tâm nguyện của Đảng, Nhà nước tiếp bước nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mong muốn nhân dân ta phải đoàn kết, phát huy truyền thống đấu tranh bảo vệ non sông đất nước”, ông Hoàn nói.

Ông Phạm Thành Nối, một cán bộ hưu trí ở phường 5 thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cho biết suy nghĩ của mình: “Qua phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tôi thấy vấn đề quan trọng nhất là đoàn kết toàn dân để giữ vững độc lập, tự chủ và chủ quyền lãnh thổ kể cả biển đảo. Rõ ràng đường lối của Đảng nhất là sách lược đối với quốc tế của Đảng ta rất là đúng đắn. Người dân chúng ta cố gắng phát huy truyền thống của dân tộc, theo Đảng bảo vệ cho được toàn vẹn lãnh thổ đất nước của chúng ta trong tình hình hiện nay cũng như sắp tới”.
Lễ cưới tập thể tại TPHCM chào mừng 70 năm Quốc khánh

Là một trong những nhân vật chính tham gia đám cưới tập thể dành cho 100 đôi uyên ương là cán bộ, công nhân viên, người lao động, người khuyết tật, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận – một trong nhiều hoạt động thiết thực chào mừng 70 năm Quốc khánh, anh Nguyễn Văn Thành, chú rể trong đám cưới tập thể cho biết: “Trong ngày lễ đặc biệt này, đứng trước Tượng đài Bác Hồ, trong tôi dâng trao một niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả. Tự nhủ với lòng mình phải noi theo tấm gương và lời Bác Hồ đã dạy, sẵn sàng đóng góp công sức khi đất nước cần đến mình”./.