Là 3 đại biểu cuối cùng chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), đại biểu Võ Thị Dung (Tp Hồ Chí Minh) và đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cùng có chung sự quan tâm về vấn đề phát hiện tài sản lớn của cán bộ về hưu, qua vụ việc của cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Giải đáp sự quan tâm của 3 đại biểu này, ông Huỳnh Phong Tranh nêu rõ, pháp luật chưa quy định cán bộ về hưu phải kê khai tài sản thu nhập. Đối với vấn đề kiểm soát kê khai tài sản của cán bộ về hưu, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết hiện cơ quan này đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý đồng bộ, đồng thời tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu xem xét đề xuất.

thanh-tra-1_spvz.jpg 

 Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Liên quan đến khối tài sản của ông Trần Văn Truyền – Tổng Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2006-2011, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, qua thông tin của báo chí, cơ quan Thanh tra Chính phủ đã chủ động trao đổi với Tỉnh ủy Bến Tre để tìm hiểu tình hình. Ban Bí thư cũng đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương nắm tình hình. Tuy nhiên công việc này do Ban Bí thư quyết định nên cơ quan Thanh tra Chính phủ cùng phối hợp thực hiện.

Về vấn đề xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng quy định, người đứng đầu có 3 trách nhiệm chính: triển khai các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về phòng chống tham nhũng trong đơn vị do mình phụ trách; người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, trong sạch, liêm khiết để làm gương cho cấp dưới; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, phát hiện các hành vi tham nhũng và xử lý trong nội bộ, cơ quan tổ chức của mình.

Vừa qua, triển khai việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 211, trước đó là 107 để xử lý người đứng đầu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, thống kê từ năm 2012 cho thấy việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã được thực hiện với 44 trường hợp; năm 2013 có 41 trường hợp bị xử lý bằng các hình thức khác nhau trong việc thực thi chính sách pháp luật, đặc biệt trong kiểm tra, xử lý tham nhũng ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra những nguyên nhân khiến cho công tác thực hiện pháp luật về xử lý người đứng đầu thời gian qua chưa hiệu quả: do một số quy định về cơ chế xử lý trước khi có Nghị định của Chính phủ, trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ; có sự lẫn lộn giữa người đứng đầu vừa là người tham nhũng; người đứng đầu vì bệnh thành tích nên né tránh, nể nang, sợ ảnh hưởng nên chưa mạnh dạn theo dõi phát hiện xử lý vi phạm tham nhũng.

Để giải quyết những hạn chế nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng giải pháp sắp tới cần thực hiện: chỉ đạo triển khai quyết liệt thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng cụ thể là Nghị định 211 của Thủ tướng Chính phủ; Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quy định của Luật đã nêu 3 trách nhiệm rất rõ; Biểu dương khen thưởng với những trường hợp phát hiện tham nhũng; xử lý trường hợp không phát hiện được tham nhũng; tăng cường kiểm tra các hành vi, kiên quyết xử lý người đứng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng với những giải pháp trên sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc thi hành pháp luật cũng như trách nhiệm cá nhân của các cơ quan, tổ chức./.