Sáng 15/10, tại Hà Nội, Đảng Đoàn Quốc hội tổ chức phiên họp thứ hai của Tiểu Ban số 2 về xây dựng chuyên đề đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là chuyên đề rất quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với định hướng đổi mới, phát triển của Quốc hội trong thời gian trước mắt và định hướng tới năm 2045.
Đến nay, việc xây dựng chuyên đề đã thực hiện được những nội dung, hoàn thành đề cương, đã có công văn gửi các cơ quan liên quan đánh giá, báo cáo, đề xuất những đổi mới hoạt động Quốc hội nói chung cho 3 khóa Quốc hội XV, XVI, XVII. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, do yêu cầu chung về tiến độ thời gian vì vậy phải xác định nội dung công việc triển khai, thời điểm hoàn thành của từng tuần, từng tháng và nhất định phải bảo đảm đúng thời gian theo kế hoạch chung là sẽ trình Đảng đoàn vào khoảng trung tuần tháng 12 năm nay.
“Qua kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ họp của chúng ta cũng có cải tiến, đổi mới. Trước mắt, chúng ta đổi mới hoạt động các kỳ họp, về thời gian cũng phải rút ngắn nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng các kỳ họp. Đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội cần phải thảo luận rất kỹ, đề xuất cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban chỉ đạo trung ương để thực hiện mục tiêu là chúng ta từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát, phù hợp với sự lãnh đạo của Đảng, đối với Nhà nước và xã hội” - Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội yêu cầu.
Liên quan đến nội dung thảo luận của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: “Nhiều nội dung nên thực hiện ở Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thì sẽ phù hợp hơn. Vì Quốc hội là một tập thể 500 người, nếu chúng ta thảo luận những vấn đề rất chi tiết, cụ thể thì khó thực hiện được. Hay trong hoạt động lập pháp, làm luật thì có phải xây dựng những đạo luật quá lớn, quá đồ sộ, hay chỉ cần xây dựng những đạo luật ngắn mà cấp thiết, đáp ứng ngay yêu cầu cuộc sống”.
Một số ý kiến nhấn mạnh đến các giải pháp phải mang tính xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên, mạnh trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, có thể xem xét đưa hoạt động của Quốc hội trở nên thường xuyên hơn thông qua tăng số lượng kỳ họp thường lệ, rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp.
Góp ý về việc đổi mới cách làm việc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đề nghị: “Nhiệm vụ giải pháp chúng ta đặt ra mấy giai đoạn, gần nhất là nhiệm kỳ khóa XV. Chúng ta phải đặt ra nguyên tắc là sẽ khó sửa luật tổ chức Quốc hội nhiệm kỳ này. Như vậy, chúng ta sẽ đổi mới về cách thức làm việc của các Hội đồng, các Ủy ban và cách thức làm việc của Quốc hội. Cái này tôi đề nghị bám sát chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, trong đó đặt ra những nhiệm vụ cụ thể từ Quốc hội cho đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc các Ủy ban. Đấy chính là các giải pháp chúng ta có thể đưa vào chuyên đề”./.