Không đụng đến gỗ rừng khi làm nhà thờ họ
Năm nay gần 80 tuổi, ngoài con, cháu nội thân của Đại tướng thì ít ai được gần gũi với Đại tướng như ông Võ Đại Hàm. Ông Hàm được Đại tướng đưa ra Hà Nội nuôi dưỡng từ bé khi cha ông bị giặc Pháp giết hại. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, vừa mới đi làm, năm 1978, ông Hàm được Đại tướng gọi đến, bảo ông về quê trông coi hương hỏa gia tiên từ bấy đến nay.
“Lúc đó, Đại tướng nói: “Chim có tổ, người có tông. Con người mà mất gốc là mất tất cả”. Thấm thía câu nói của Đại tướng, tôi rời cơ quan Nhà nước về quê làm nông dân nhưng thấy thanh thản vô cùng” – ông Hàm kể.
Chỉ tay về phía trước, nơi có ngôi từ đường nhỏ nhắn, khiêm nhường nhưng toát lên sự linh thiêng, cổ kính, ông Hàm nói: “Đó là nhà thờ họ Võ phái 2 của Đại tướng”. Ông kể: Năm 2003, phái 2 dòng họ Võ bàn chuyện xây dựng nhà thờ họ. Lúc đầu các cụ cao niên trong phái thống nhất mua gỗ lim để làm và đã được Công ty Lâm công nghiệp Long Đại đồng ý bán gỗ lim với giá ưu đãi. Tuy nhiên, khi mọi người hỏi ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã không đồng ý việc dùng gỗ rừng để làm nhà thờ. Đại tướng nói: “Nếu dùng gỗ lim để làm nhà thờ thì thì chắc chắn, nhưng cả nước này có hàng nghìn, hàng vạn dòng họ cần làm nhà thờ, ai cũng như mình mua gỗ rừng để làm thì rừng đâu còn gỗ mà lấy...”.
Không đồng ý để dòng họ Võ của mình làm nhà thờ bằng gỗ lim, đích thân Đại tướng và gia đình đã nhờ người ra tận Hương Sơn (Hà Tĩnh) tìm mua gỗ mít về dựng nhà thờ họ, thay cho gỗ lim như ý định ban đầu của các cụ cao niên trong phái.
Năm 2004, ngôi nhà thờ họ hoàn thành, Đại tướng về thắp hương. Ông rất vui khi thấy ngôi từ đường làm bằng gỗ mít cũng rất đẹp và chắc chắn. Đại tướng không quên câu chuyện cũ và nói với bà con trong dòng họ: Rừng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường sống của tất cả chúng ta. Chính rừng đã điều hòa nguồn nước, khí hậu giúp chúng ta tránh khỏi thiên tai, bão lụt. Trách nhiệm bảo vệ rừng cũng không phải của riêng lực lượng chức năng mà của tất cả mọi người dân. Vì vậy, vừa rồi chúng ta đã đổi gỗ lim sang gỗ mít để làm nhà thờ, mục đích tránh được một phần ảnh hưởng xấu đến rừng, là một việc rất nên làm!
Luôn đi trước thời đại
Ông Howard Limbert, một chuyên gia hang động Hoàng gia Anh đã gắn bó với Phong Nha- Kẻ Bàng hơn 20 năm nay, cứ luôn nắc nỏm khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nói, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng vô tận, giúp ông và các cộng sự miệt mài tìm kiếm hang động cho Quảng Bình với thù lao không đồng và xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.
"Đại tướng rất am tường về hệ thống núi đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng cũng như sự hình thành của hang động. Đại tướng cũng kể về nhiều hang động trên dãy Trường Sơn mà ông đã gặp trong thời kỳ chiến tranh” – ông Howard Limbert.
Ông Howard Limbert kể: Năm 1992, khi vừa từ rừng ra, sau chuyến thám hiểm tìm kiếm hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, ông được thông báo có một người rất quan trọng của Việt Nam muốn gặp đoàn thám hiểm. Thật ra lúc đó, ông không biết đó là ai và cũng không hứng thú lắm vì phải lo cấp cứu cho một cộng sự bị gặp tai nạn trong khi thám hiểm.
Tuy nhiên, ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên, ông đã rất ấn tượng với “ông già tóc bạc”, với vẻ ngoài bình dị nhưng lại ẩn chứa một nội lực siêu phàm. (Sau này ông mới biết đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng lừng danh thế giới). Khi xem bản đồ hang động của Phong Nha - Kẻ Bàng do đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh thực hiện, Đại tướng rất chăm chú và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng trong kỹ thuật vẽ bản đồ.
“Đại tướng rất am tường về hệ núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng cũng như sự hình thành của hang động. Đại tướng cũng kể về nhiều hang động trên dãy Trường Sơn mà ông đã gặp trong thời kỳ chiến tranh. Chính ý kiến của Đại tướng đã giúp đoàn thám hiểm của chúng tôi hoàn thiện hơn bản đồ về hang động của Phong Nha- Kẻ Bàng như ngày hôm nay” – ông Howard Limbert nói.
Kết thúc buổi gặp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết mấy dòng gửi ông Howard Limbert và đoàn thám hiểm. “Nghiên cứu hang Karst phục vụ du lịch và các ngành kinh tế và khoa học là một công tác quan trọng, cần làm cho thật tốt. Luôn luôn chú trọng bảo vệ môi trường”.
Trong một lần ra thăm mẹ Nghèng- Anh hùng Lao động, Đại tướng xúc động nói: “Quảng Bình cát trắng, gió tây nam (gió Lào), nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy! Nếu không có những cuộc chiến tranh và không trở thành một vị tướng cầm quân, tôi rất muốn được làm một người trồng rừng chống cát cho quê hương như mẹ Nghèng”.
Đại tướng trong một lần ghé thăm mẹ Nghèng. |
Đặc biệt, Đại tướng rất quý rừng phi lao của mẹ Phạm Thị Nghèng, người 40 năm miệt mài trồng rừng trên cát, được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động. Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thường ra xã Quang Phú, TP Đồng Hới thăm mẹ Nghèng và mắc võng nằm nghỉ dưới rặng phi lao, đón làn gió mát thổi từ biển vào./.