Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và của cả hệ thống chính trị”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, đến nay nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, tham nhũng lãng phí vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi; điều này đòi hỏi cần có các giải pháp phòng, chống tham nhũng đồng bộ, chế tài xử phạt thích đáng và thực thi pháp luật phải thực sự nghiêm minh.
Có chính sách hợp lý, người ta sẽ không đánh đổi lợi ích để tham nhũng (Ảnh minh họa) |
Là một trong những địa phương có kết quả tích cực trong thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thành phố Đà Nẵng tập trung theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng với tinh thần, thường xuyên tăng cường công tác chỉ đạo về phòng chống tham nhũng.
Thường vụ thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, trước hết quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng và gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng một cách nghiêm túc.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, ngay khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và tiêu cực, Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng tham mưu chương trình hành động để thực hiện.
Theo đó, Thành ủy đã tăng cường công tác thanh tra điều tra, truy tố đối với các vụ việc, vụ án kinh tế lớn còn để kéo dài mà dư luận quan tâm. Trong năm 2016, Thành ủy Đà Nẵng thành lập 3 đoàn kiểm tra Nghị quyết Trung ương 3, kiểm tra trách nhiệm cấp ủy và người đứng đầu của các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác phòng chống tham nhũng và kiểm tra quy chế làm việc của ban cán sự Đảng trong việc chấp hành các quy định.
Ông Võ Công Trí nhấn mạnh, thực tế công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Do đó cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng chống, tham nhũng, đưa nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu về công tác phòng chống lãng phí và tiêu cực vào chương trình công tác kiểm tra của các cấp ủy Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với một số lĩnh vực, nhất là một số lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm thường xảy ra tham nhũng tiêu cực.
Quyết tâm về phòng chống tham nhũng đã rõ, không quyết tâm thì sẽ mất niềm tin. Bởi thế, thời gian gần đây có nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc đã được xử lý đúng tiến độ về thời gian, nghiêm khắc được dư luận quan tâm.
Đáng chú ý, vụ án Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm thuộc Vinashinlines đã bị Tòa tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản hay vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), gây thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng đang được Tòa án Hà nội xét xử.
Cùng với những vụ án lớn mà cơ quan bảo vệ pháp luật đang làm, những vụ tham nhũng vặt, nhũng nhiễu cũng được đưa ra xử lý, tuy nhiên chỉ là kiểm điểm sâu sắc, phê bình nghiêm khắc rút kinh nghiệm hoặc kỷ luật hành chính. Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt tội tham nhũng chưa đủ mức răn đe, đó là một trong những lý do căn bản khiến công tác ngăn chặn tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên cho rằngTrung ương đã thể quyết tâm lớn như thế, cấp ủy ở các địa phương không thể không chuyển động. Công tác nội chính, vấn đề phòng chống tham nhũng phải xuất phát từ cơ sở. Do vậy nếu không có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, không quyết tâm cao thì công tác phòng chống tham nhũng khó đạt hiệu quả.
Ông Hồ Việt Hiệp, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang kiến nghị,pháp luật trong phòng chống tham nhũng và hàng loạt những vấn đề lớn phải tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa. Không chỉ hoàn thiện về Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật tố tụng dân sự mà còn những luật khác, hàng ngày hàng giờ thiếu chặt chẽ cũng nảy sinh tham nhũng.
Ông Hồ Việt Hiệp khẳng định, để chống được tham nhũng, lãng phí, phải có quá trình, quyết tâm đi từ vụ việc cụ thể đến giải quyết vấn đề lớn, đồng thời, cần có chế tài nặng và thực thi pháp luật nghiêm để không dám tham nhũng.
“Chúng ta chưa nghiên cứu để có giải pháp căn cơ trong việc giám sát chặt chẽ quyền lực. Theo tôi muốn giám sát quyền lực thì phải bằng thể chế, bằng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, kín kẽ đến mức người ta không thể tham nhũng. Chế tài nặng và thực thi pháp luật nghiêm người ta sẽ không dám tham nhũng. Cùng với đó là chế độ chính sách để người ta không dễ dàng đánh đổi lợi ích đang có để tham nhũng”.
Với việc phanh phui các vụ đại án kinh tế lớn, chế tài xử phạt về tội phòng chống tham nhũng đủ mạnh sẽ góp phần đẩy mạnh ngăn chặn công tác phòng chống tham nhũng. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế thực sự có hiệu quả đối với việc kiểm soát quyền lực.
Tiến tới thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập, chuyên trách, có đầy đủ thẩm quyền trong việc điều tra, phá án tham nhũng lãng phí, trực tiếp chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng, Chính phủ, nhân dân về việc phòng và chống tham nhũng. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng với chế tài xử lý thích đáng và việc thực thi pháp luật nghiêm minh để không ai có thể tham nhũng và không dám tham nhũng./.
Chống tham nhũng: Đừng để việc lớn thành không có gì