Chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2021), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật”, để gợi mở những vấn đề, nội dung quan trọng trong tổ chức, quán triệt, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.
Tại cuộc tọa đàm chiều 3/2, nhiều ý kiến khách mời là những chuyên gia về xây dựng Đảng và các nhà chính trị đã khẳng định, Văn kiện của Đại hội XIII được chuẩn bị rất công phu, khoa học, xuất phát từ thực tiễn đổi mới của đất nước. Chính vì vậy, “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện trong Văn kiện Đại hội.
Nêu ra 5 dấu ấn quan trọng của Đại hội XIII, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí - Người phát ngôn Đại hội XIII, nhấn mạnh Đại hội thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện: về xây dựng văn kiện đại hội; về công tác nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương; về mặt tổ chức thực hiện, điều hành đại hội đều đạt được kết quả toàn diện. Không chỉ có đánh giá chiến lược 10 năm, trong nhiệm kỳ 5 năm, mà nhìn nhận đánh giá lại toàn diện 35 năm đổi mới của đất nước, Đại hội đã đi đến thống nhất và đưa vào Nghị quyết là đất nước ta chưa bao giờ có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
“Đại hội cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ hướng tới 5 năm tới và hướng tới định hướng cho đất nước phát triển, hướng tới 100 năm kỷ niệm ngày thành lập Đảng, 100 năm kỷ niệm thành lập nước. Tinh thần của Đại hội, không khí, quyết tâm đó là khát vọng của đại biểu, của các tầng lớp nhân dân xây dựng đất nước của chúng ta phát triển. Đây có thể nói là thông điệp, quyết tâm rất là lớn”, ông Lê Mạnh Hùng nói.
Là người trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị văn kiện, trực tiếp theo dõi diễn biến đại hội, tiếp thu ý kiến của đại hội, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, Đại hội XIII có nhiều cảm xúc và ấn tượng, nói một cách hình ảnh đó là “cảm xúc đong đầy ở nhiều cung bậc”.
“Một Đại hội để lại dấu ấn sâu đậm về niềm phấn khởi, sự đoàn kết thống nhất, sự tin tưởng nên một số cuộc tọa đàm đã đưa ra những tiêu đề hay như: khát vọng và niềm tin, ánh sáng và niềm tin… Đây là một Đại hội dẫn dắt và truyền cảm hứng. Có lẽ chưa có Đại hội nào Đảng ta lại đưa ra tầm nhìn xa như vậy, tầm dẫn dắt, tầm định hướng rất xa. Nhưng cũng là Đại hội truyền cảm hứng rất mãnh liệt. Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội vang lên 2 tiếng “khát vọng phát triển”. Đây là dấu ấn rất rõ về quyết tâm, tinh thần đổi mới sáng tạo, vươn lên vượt qua khó khăn, đi cùng thời đại và tiến cùng thời đại”, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Theo các đại biểu, điểm đáng chú ý, công tác xây dựng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, đồng thời tiến hành một cách khoa học, khách quan và toàn diện. Đặc biệt, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, không bỏ sót người có tài, có đức, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, TS Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Đại hội lần này lan toả một tinh thần đoàn kết, thống nhất rất cao trong Trung ương, trong Đại hội và toàn Đảng, cùng với đó là đánh giá cao của các Đảng, các tổ chức, bạn bè quốc tế: “Đối với tôi và những đồng chí lần đầu tham gia Ban chấp hành Trung ương, việc được bầu vào Trung ương là niềm vui, vinh dự to lớn. Chúng tôi cảm nhận rõ trách nhiệm của mình để không phụ sự tin tưởng của Đại hội”.
Nhấn mạnh 3 nét mới trong quy chế bầu của tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Ngô Minh Tuấn khẳng định: “Thứ nhất là quy định cụ thể và trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tổng Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Thứ hai là phải sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân ủy Trung ương cung cấp. Thứ ba là việc ghi phiếu bầu cử được thực hiện tại hội trường và phòng họp của đoàn đại biểu”.
Ngay sau Đại hội, các cấp, các ngành, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch, đề án để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Theo các đại biểu, cần lan tỏa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, các cấp ủy, tổ chức Đảng, toàn dân, toàn quân phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tổ chức, xây dựng chương trình hành động gắn vào Nghị quyết của Đại hội đảng bộ cấp mình để thể chế hóa Nghị quyết XIII, sau đó triển khai thực hiện. Từ đó, có kế hoạch, lộ trình chi tiết, kèm theo giải pháp và các điều kiện về vật chất, tài chính nhằm đảm bảo Nghị quyết XIII của Đảng đi vào cuộc sống./.