Chiều 22/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội làm việc tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Cần tạo cơ chế cho Chính phủ quyết trong bối cảnh đại dịch
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Chính phủ phải đối mặt khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện và diễn biến ngày càng phức tạp. Chính phủ đã rất nỗ lực, đặc biệt Thủ tướng lăn lộn, xông xáo và không rời bỏ mục tiêu phát triển kinh tế mà giữ quyết tâm thực hiện mục tiêu kép.
“Kết quả đạt được thời gian qua như đạt các mục tiêu, trong đó thu ngân sách tăng 16% so với cùng kỳ, thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ. Nhiều tổ chức quốc tế lớn đánh giá tích cực về Việt Nam. Kết quả đó vừa là sự tích luỹ từ năm ngoái nhưng vừa khẳng định được năng lực của Chính phủ sau kiện toàn” – ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh và đồng tình với việc chuyển trạng thái từ phòng thủ sang tấn công với chiến lược vaccine.
Bên cạnh những mặt tích cực, theo ông Lê Thanh Vân, vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ, trước hết là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công rất chậm dù câu chuyện này được đề cập qua nhiều nhiệm kỳ. Nguyên nhân chính là luật pháp còn vướng mắc và quy trình ngân sách, kế hoạch triển khai chậm trễ.
Vị đại biểu đoàn Cà Mau cũng cho rằng, bộ máy công quyền trong quan hệ với doanh nghiệp và người dân ở đâu đó vẫn có cán bộ chưa thực hiện đúng chức năng, sứ mệnh của mình. Trong đại dịch Covid-19, có nơi này nơi khác hiểu chưa đúng chỉ đạo của Chính phủ, thậm chí có cá nhân thể hiện công quyền chưa đúng lúc, đúng chỗ, thậm chí sai lầm, khiến người dân và doanh nghiệp vốn khó khăn lại khó khăn hơn.
Từ thực tế trên, trong thực hiện kế hoạch 5 năm tới, ông Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ tập trung rà soát chính sách pháp luật về đầu tư công. Quốc hội cần tạo ra khuôn khổ pháp lý để Chính phủ hành động trong tình hình Covid-19.
“Cần thay đổi phương thức quản lý để quản lý tốt hơn sự thay đổi. Chính phủ phải đặt trong thế động, trong đó chứa đựng điều kiện, quyền năng để Chính phủ huy động sức mạnh nội lực. Có quyết định khác biệt mới tạo kỳ tích. Quốc hội phải cho Chính phủ cơ chế, có thể khác với các đạo luật hiện hành nhưng vẫn phù hợp Hiến pháp để hành động quyết liệt, hiệu quả hơn” – ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Đại dự án thua lỗ kéo dài thì “đau cũng phải cắt”
Đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) cũng đồng tình với các báo cáo cho rằng bức tranh kinh tế - xã hội 6 tháng qua là tích cực với tăng trưởng kinh tế 5,64%. Kiên trì mục tiêu kép là lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh của chính chúng ta. Tuy nhiên, thách thức với những tháng cuối năm là rất lớn.
Đề cập vấn đề đầu tư công, đại biểu ủng hộ tinh thần quyết định đầu tư có lựa chọn, trọng tâm, trọng điểm để tránh trường hợp dàn trải, đầu tư nhỏ giọt. Vấn đề cần phải bàn là hiện tiến độ giải ngân rất chậm, gây lãng phí trong khi “nhanh hay chậm cũng do chúng ta cả thôi”, cần thúc đẩy tiến độ một cách quyết liệt như tinh thần Chính phủ thời gian qua.
“Với các đại dự án thua lỗ kéo dài thì mong rằng Chính phủ quyết liệt giải quyết, cái nào cần thêm đầu tư để khởi động được thì tập trung, nhưng cái nào thực sự không thể vận hành được thì đau cũng phải cắt, nếu không thua lỗ kéo dài, nhìn xót xa” – ông Đôn Tuấn Phong bày tỏ.
Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía Đông hay sân bay Long Thành nếu không quyết liệt thì nguy cơ chậm tiến độ rất cao, bởi ngoài câu chuyện mặt bằng thì còn vấn đề nguồn vật liệu xây dựng. Vấn đề mà ông Đôn Tuấn Phong đặt ra là Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 kịp thời, nhưng có địa phương làm tốt trong khi có nơi thì không. Có hiện tượng đầu cơ tích trữ nguồn vật liệu để tăng giá hay không bởi nhiều mặt hàng có sự tăng giá khá vô lý. Đại biểu mong Chính phủ chỉ đạo, điều hành quyết liệt để dự án sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả.
Cũng đề cập đến 12 dự án thua lỗ, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết, theo báo cáo của năm 2020 thì nợ hơn 63.000 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 26.000 tỷ đồng và hiện Chính phủ vẫn đang tìm giải pháp xử lý. Tuy nhiên, theo ông, đến lúc nào đó cần có quyết sách mạnh dạn hơn bởi loay hoay mãi mà không xử lý được thì ngày càng lỗ thêm.
“Chịu đau để xử lý dứt điểm. Dự án nào không thể hoạt động mà bán được, kể cả là bán sắt vụn cũng phải bán, nhất là khi chúng ta đang cần thêm nguồn lực chống dịch” – ông Trịnh Xuân An nêu ý kiến.
Trước diễn biến của dịch Covid-19, vị đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng đã được quyết vừa qua là quyết sách kịp thời, quý báu giúp doanh nghiệp, người lao động, nhất là đối tượng yếu thế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, điều mà ông quan ngại là giải ngân gói 62.000 tỷ rất chậm. Do đó, các cơ quan liên quan cần tích cực hơn để chính sách này đến với dân càng nhanh càng tốt./.