Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến nước Ai Cập và nhân dịp hai nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 55 thiết lập quan hệ ngoại giao, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Ai Cập đã có cuộc phỏng vấn ông Reda El Taify, Giám đốc Thư viện công Ai Cập và cũng là cựu Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam về mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ai Cập.
Cựu Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Reda El Taify trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN thường trú tại Ai Cập. |
PV:Xin chào Ngài Đại sứ! Cảm ơn Ngài đại sứ đã dành thời gian cho các phòng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam trong cuộc phỏng vấn. Ngài có thể cho biết về cảm nhận của mình trong thời gian công tác tại Việt Nam?
Ông Taify: Như bạn đã biết, tôi rất vui mừng khi trở thành Đại sứ nước Cộng hòa Arab Ai Cập đến công tác tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhiệm kỳ công tác của tôi tại Việt Nam từ năm 2010 đến 2014 là một giai đoạn thành công trong sự nghiệp của tôi. Đó cũng là thời gian mà tôi được sống gần gũi với người Việt Nam. Tôi yêu thích lối sống của người Việt Nam cũng như thái độ nghiêm túc trong công việc. Tôi ngưỡng mộ kinh nghiệm người Việt Nam trong phát triển các lĩnh vực kinh tế, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử và khả năng thích nghi, hội nhập nhanh với thế giới.
Việt Nam cũng là một đất nước đẹp với nhiều thắng cảnh nối tiếng thế giới như vịnh Hạ Long, thành phố Đà Nẵng, Huế, Hội An... Bản thân tôi và gia đình rất yêu thích thời gian công tác và sống ở Việt Nam. Như những người Ai Cập khác, tôi cảm nhận được một nước Việt Nam với chính phủ và người dân thân thiện và hiếu khách.
Ai Cập có một mối quan hệ lịch sử chính trị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam bắt nguồn từ năm 1963. Năm 2018, hai nước chúng ta tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại. Trong quan hệ hai nước, có nhiều dấu mốc quan trọng, trước hết phải kể đến 3 lần thăm Ai Cập của chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của nước ngoài.
Người Ai cập tôn vinh, kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã được nhân dân và lãnh đạo Ai Cập tiếp đón nồng nhiệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới cũng là người có công lớn trong mang lại độc lập cho Việt Nam. Một dấu mốc quan trọng thứ hai cần kể đến là chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-sisi đến Hà Nội vào tháng 9/ 2017, cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Ai Cập đến Việt Nam.
PV: Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Ai Cập vào cuối tháng 8 này, ông có thể cho biết về những triển vọng trong quan hệ Việt Nam - Ai Cập sau chuyến thăm này?
Ông Taify: Tôi rất vui mừng khi được nghe tin này và tôi mong được đón ngài Chủ tịch nước sang thăm Ai Cập. Có thể nói, đây là một bước đột phá trong quan hệ song phương Việt Nam - Ai Cập và tôi hy vọng chuyến thăm sẽ mang lại kết quả to lớn trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch.
Tôi cũng hy vọng được nhìn thấy những doanh nghiệp Việt Nam sang Ai Cập nhân chuyến thăm này để có cơ hội gặp gỡ các đối tác Ai Cập và tôi cũng mong Hội Hữu nghị Ai Cập – Việt Nam sẽ được thành lập trong tương lai gần. Đây là cơ hội để lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm, cung cấp thông tin cho nhau về các lĩnh vực phát triển giữa hai nước.
Đây là cũng là dịp để hai nước tổ chức lễ kỷ niệm một sự kiện hết sức quan trọng: 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ai Cập. Tôi tin rằng sau chuyến thăm sẽ có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước. Hiện nay, chính phủ Ai Cập cấp nhiều suất học bổng hàng năm cho các sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Arab của Việt Nam.
Chúng tôi cũng mong rằng chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện cung cấp các suất học bổng cho các sinh viên Ai Cập để họ có thể đến Việt Nam học tập và trải nghiệm văn hóa, lịch sử và cuộc sống ở đó. Chúng tôi đang mong chờ được đón hàng ngàn du khách Việt Nam đến Ai Cập. Như các bạn biết Ai Cập là một điểm đến du lịch rất quan trọng trên thế giới, do đó thông qua kênh của các bạn tôi mong muốn mời các bạn Việt Nam đến Ai Cập để thưởng thức những giá trị văn hóa, lịch sử, lòng mến khách của người Ai Cập.
PV: Thưa Đại sứ, Ai Cập và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, đến nay, lượng du khách Ai Cập thăm Việt Nam và ngược lại vẫn còn thấp. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt từ 300 đến 400 triệu USD. Theo ông, hai nước cần làm những gì để thúc đẩy du lịch và thương mại song phương?
Ông Taify: Để thúc đẩy du lịch và thương mại, hai bên cần trao đổi về văn hóa và thương mại. Về góc độ văn hóa, hai nước nên tổ chức các hoạt động ở cả Việt Nam và Ai Cập. Về quan hệ thương mại, hai bên cần xúc tiến hoạt động thương mại song phương. Do đó, thứ nhất, hai bên có thể tổ chức các cuộc triển lãm thương mại vì qua triển lãm thương mại có thể quảng bá thế mạnh của các mặt hàng được sản xuất và xuất khẩu tại mỗi nước.
Thứ hai, thông qua các chương trình trao đổi các đoàn truyền thông giữa hai nước. Tôi còn nhớ, trong nhiệm kỳ công tác của tôi tại Hà Nội, tôi đã tổ chức một số chuyến thăm cho các nhà báo Việt Nam sang Ai Cập và tham quan tại các khu Kim Tự Tháp, Bảo tàng Ai Cập... Thậm chí, chúng tôi cũng đã mời một Hoa hậu Việt Nam sang thăm Ai Cập. Các bạn Việt Nam có thể giới thiệu cho người Việt Nam những địa điểm về lịch sử, văn hóa và du lịch cũng như các khu công nghiệp và các khu kinh tế.
Thứ ba, chúng ta có thể tổ chức các Ngày Văn hóa Ai Cập tại Việt Nam và tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam tại Ai Cập, qua đó có thể giới thiệu cho nhau qua nhiều kênh hợp tác thiết thực trong đó có Hội Hữu nghị Việt Nam - Ai Cập.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ngài Đại sứ!