Chiều 11/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ mười một, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
Cán bộ vi phạm thì “hạ cánh cũng không an toàn”
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận...chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, với quyết tâm chính trị cao về xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...Cử tri và nhân dân đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu “hạ cánh cũng không an toàn”.
“Nhân dân đánh giá cao sự thành công có tính quyết định của chiến lược vaccine phòng Covid-19. Tâm trạng xã hội rất vui mừng, phấn khởi khi các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thể thao... dần trở lại trạng thái bình thường. Niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế được nâng lên” – ông Đỗ Văn Chiến nói.
Tuy vậy, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên. Đồng thời, mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.
Dư luận xã hội còn băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Thực tế, có một số nước phát triển, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.
Chính vì vậy, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông là môn học tự chọn. Cần đổi mới cách dạy và học như thế nào, để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn.
Nhân dân quan tâm pháp luật về đất đai
Cho ý kiến vào dự thảo báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cử tri và nhân dân rất quan tâm tình hình công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai. Do đó nên thông bao thêm với cử tri là Hội nghị Trung ương 5 đã nhất trí cao trong việc thông qua nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 19. Hiện nay trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đề xuất với Quốc hội đưa vào xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10.
Bên cạnh đó cần làm rõ thêm, đánh giá công tác dạy và học từ khi chuyển từ học trực tuyến sang học trực tiếp, rồi vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh.
Nội dung quan trọng khác là có giải pháp để tạo điều kiện cho thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng thời gian qua, cử tri và nhân dân hài lòng nhất việc kịp thời tiêm vaccine phòng Covid-19, từ đó kiểm soát dịch bệnh, hạn chế các ca trở nặng và tử vong. Tuy vậy, cần lưu ý những lo ngại của cử tri và nhân dân về hậu quả của dịch bệnh Covid-19 đối với sức khỏe, tâm lý, học tập và an ninh, trật tự.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phản ánh cử tri cũng quan tâm quá trình nghiên cứu vaccine của Việt Nam hiện nay kết quả tới đâu và hiệu quả như thế nào./.