Sáng 4/10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4 thông báo nội dung kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV; lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri.

vov_ctn_2_jstx.jpg
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và 4
Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 1, Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa thông báo với cử tri về nội dung Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV và cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 04 dự án luật; 01 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 14 dự án luật.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu nhiều kiến nghị về các nội dung như: Luật về hội, quy trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, vai trò, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội; việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; việc xử lý các vụ án tham nhũng, đề bạt cán bộ không đúng gây thất thoát lớn tài sản nhà nước; hoạt động đầu tư, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo an toàn giao thông; nợ công và vai trò giám sát của Quốc hội.

Chủ tịch nước ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri
Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhấn mạnh những vấn đề cử tri quan tâm.

Về Luật về hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, quyền lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Việc xây dựng Luật về hội để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội là cần thiết.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, việc xây dựng Luật về hội được thực hiện trên quan điểm, định hướng là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội quần chúng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế. Đồng thời Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo quy định của Hiến pháp; phát huy vai trò của hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về vấn đề nợ công, Chủ tịch nước nêu rõ đây là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Để giải quyết vấn đề hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công, cần có chỉ tiêu về đánh giá an toàn nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020 như: khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách; mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm; tỷ lệ nợ công/GDP.

Tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020. 

Quốc hội cũng sẽ nghe Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo về công tác thi hành án; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; và cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 

Cũng tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trả lời nhiều vấn đề cử tri quan tâm như: việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, người thân, con em vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm các tiêu chuẩn về trình độ, đạo đức, năng lực; Vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh và việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự; Luật Công an xã và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; tội phạm mạng và đảm bảo an toàn giao thông./.