Ngày 11/12 Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo “Cộng đồng ASEAN và Chương trình hành động của Việt Nam” tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 150 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp, hiệp hội, một số địa phương trong cả nước, và các chuyên gia, các nhà khoa học.
Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 trong tháng 11 ở Kuala Lumpur, Malaysia, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 và thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhằm định hướng cho ASEAN trong 10 năm tới.
Hội thảo “Cộng đồng ASEAN và Chương trình hành động của Việt Nam”. (ảnh: Phương Chi). |
Sau gần 5 thập kỷ xây dựng và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về chất và sẽ chính thức trở thành Cộng đồng vào ngày 31/12/2015. Sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, đánh dấu 20 năm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định về các cơ hội và thách thức của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN: “Về chính trị, an ninh, chúng ta có cơ hội củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị khi các nước ASEAN chia sẻ và gắn kết sâu hơn các lợi ích an ninh với nhau.
Về kinh tế, chúng ta có cơ hội mở rộng được thị trường hàng hoá và dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế, định vị đất nước vào vị trí tối ưu trong chuỗi sản xuất và phân phối ở khu vực và toàn cầu.
Về văn hóa, xã hội, chúng ta có cơ hội thực hiện các chuẩn mực cao hơn về văn hóa xã hội, các tiêu chí về bảo vệ quyền con người, chia sẻ và làm giàu bản sắc văn hóa, xã hội của dân tộc Việt Nam.
Tận dụng được các cơ hội ấy sẽ đóng góp rất thiết thực vào các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời tạo nên tác động rất lớn tới quá trình nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế”.
Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 nhân dịp Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) ở Brunei. Trong 20 năm tham gia hợp tác ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của Hiệp hội.
Triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2009, theo đó Việt Nam đã cùng các nước thành viên khác trong ASEAN hoàn thành trên 90% các dòng hành động của cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nêu rõ: “Do mức độ phát triển trên nhiều mặt của nước ta vẫn còn xa với nhiều nước ASEAN, nhất là các nước trong nhóm nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Philippines, và Thái Lan), quá trình thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên cả ba trụ cột đặt chúng ta trước nhiều thách thức lớn hơn các nước khác, nhất là về kinh tế.
Hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta nhỏ bé về quy mô, lạc hậu về công nghệ. So với các nước ASEAN, nhất là ASEAN-4, giới doanh nhân của chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh, trong kinh doanh quốc tế.
Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo. (ảnh: Hải Ninh). |
Thời điểm cộng đồng ASEAN bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2015, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN, từ đầu tư của các nước ASEAN. Một số doanh nghiệp có thể sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa.
So với nhiều nước ASEAN, chúng ta đã chậm cả về nhận thức lẫn hành động cụ thể. Theo điều tra mới đây của một số học giả trong nước và của Ban thư ký ASEAN, nhận thức về Cộng đồng ASEAN, về cơ hội và thách thức từ việc hình thành Cộng đồng ASEAN của doanh nhân, của sinh viên và người dân nước ta nói chung ở mức thấp, nhất là so với các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia”.
Phó Thủ tướng Bộ trưởng ngoại giao chỉ đạo: “Thời gian không chờ đợi chúng ta; đây là lúc xây dựng các chương trình cụ thể để nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương và toàn dân về Cộng đồng ASEAN và nhất là xâydựng và hoàn chỉnh chương trình hành động cụ thể để biến Cộng đồng ASEAN thành hiện thực ở Việt Nam. Chúng ta cần nhận thức rõ là Việt Nam phải “xắn tay” vào thực hiện Cộng đồng ASEAN ở Việt Nam theo tinh thần tích cực chủ động nhất”.
Tham luận của đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể, hiệp hội ngành nghề và địa phương đã tập trung 3 nhóm vấn đề cụ thể, gồm: các định hướng cụ thể để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức và người dân về Cộng đồng ASEAN, về cơ hội và thách thức đối với tổ chức và cá nhân người dân; thứ hai, các định hướng xây dựng chương trình hành động của các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội ngành nghề và địa phương trong từng trụ cột, trong Cộng đồng và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn của ASEAN; cuối cùng là các định hướng tiến hành các công việc chuẩn bị cần thiết khác để triển khai trước mắt và sau khi đã xây dựng xong các chương trình hành động cụ thể.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao, với tư cách là cơ quan điều phối quốc gia về hợp tác ASEAN, sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, xây dựng Đề án về Phương hướng và Biện pháp Việt Nam triển khai Cộng đồng ASEAN đến 2025 theo đúng tinh thần chủ động, tích cực và hiệu quả./.