Nguy cơ khủng bố ngày càng cao
Báo cáo Thẩm tra dự thảo Luật cho biết, có hai loại ý kiến về việc nên hay không nên có lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố (Điều 10, Điều 11, Điều 12).
Loạiýkiến thứ nhất đề nghị không thành lập lực lượng chuyên trách riêng, mà giao thêm nhiệm vụ và huấn luyện kỹ lưỡng cho các lực lượng chủ chốt sẵn có (như các lực lượng an ninh, tình báo, tác chiến, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, đặc công, phòng cháy chữa cháy, phòng hóa…) để sẵn sàng phối hợp làm nhiệm vụ khi có khủng bố xảy ra.
Lực lượng này khi được điều động tham gia chống khủng bố thì có thể gọi là lực lượng thi hành các biện pháp chống khủng bố.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ này vì cho rằng nếu xây dựng lực lượng chuyên trách chỉ thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố sẽ gây lãng phí do đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về nhân lực, vật lực.
Ủy ban đề nghị chỉ nên giao nhiệm vụ này cho các lực lượng, đơn vị chủ chốt sẵn có như cách làm hiện nay để sẵn sàng phối hợp làm nhiệm vụ khi có khủng bố xảy ra là phù hợp với tình hình tổ chức biên chế, trang bị và khả năng của các lực lượng hiện nay ở nước ta, đã được kiểm nghiệm trên thực tế qua các cuộc diễn tập phòng, chống khủng bố.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng này khi tham gia chống khủng bố, Ủy ban Quốc phòng cho rằng chỉ nên giới hạn trong việc thi hành các biện pháp chống khủng bố theo chức năng, nhiệm vụ và theo mệnh lệnh, sự phân công của người có thẩm quyền.
Thống nhất với ý kiến trên, đại biểu Bùi Văn Tỉnh (đoàn Hòa Bình), đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng thay vì lập lực lượng chuyên trách thì nên đầu tư huấn luyện, trang thiết bị hiện đại, phát huy lực lượng sẵn có trong thực hiện phòng, chống khủng bố.
Trái ngược quan điểm trên, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Luật là cần phải tổ chức lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố, được giao nhiệm vụ rõ ràng để phòng ngừa và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi khủng bố.
Đại biểu Phạm Trường Dân- Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng, qua thực tế cho thấy cần có một lực lượng chuyên trách vì yếu tố “Phòng” mới là chính chứ không phải khi có khủng bố mới “Chống”.
Theo đại biểu, lực lượng chuyên trách này không cần đông nhưng được giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Các lực lượng khác (công an giao thông, phòng cháy chữa cháy...) có trách nhiệm phối hợp khi xử lý tình huống.
“Nếu cứ diễn tập tràn lan như hiện nay thì khi có tình huống việc xử lý vẫn thiếu chủ động, không dứt khoát”, đại biểu nêu ý kiến.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Trí Dũng (đoàn Hà Tĩnh) khẳng định cần có lực lượng chuyên trách. Còn về quy mô ra sao, ở cấp nào cần nghiên cứu, tính toán.
“Yếu tố “Phòng” cần phải được quan tâm đặc biệt. Tình hình ngày càng phức tạp, nguy cơ ngày càng lớn mà thiếu lực lượng chuyên trách là không ổn”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật phải thể hiện được tinh thần phát huy sức mạnh toàn dân, trong đó phải có cơ chế giúp dân nhận biến, phát hiện và báo tin về hành vi khủng bố. Thực tế và lịch sử cho thấy, nguồn tin từ nhân dân là đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa các hành vi tội phạm, khủng bố.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ chế tài xử lý những hành vi cố ý báo tin sai lệch vì mục đích riêng để mang tính răn đe và thuận lợi trong xử lý.
Giáo dục quốc phòng an ninh, khơi dậy lòng yêu nước
Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh. Các ý kiến đều cho rằng việc Ban hành Luật này là cần thiết, tuy nhiên các điều khoản, bố cục, từ ngữ phải được nghiên cứu, làm rõ hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) đặt vấn đề phải làm rõ nguồn lực cho công tác giáo dục quốc phòng an ninh, nằm ở khoản nào, giao Bộ nào.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn thiên về xu hướng hành chính, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được tổng hợp nguồn lực xã hội cho giáo dục quốc phòng an ninh, nhất là giáo dục quốc phòng an ninh toàn dân.
Báo cáo Thẩm tra dự thảo Luật cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội tán thành với ý kiến trên và cho rằng, quy định tại Điều 5 và Điều 7 còn nặng tính hành chính, chủ yếu tập trung vào vai trò Nhà nước, chưa thấy được vai trò xã hội trong giáo dục quốc phòng an ninh.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong tình hình mới, cùng với vai trò của cơ quan nhà nước, các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định cụ thể và chặt chẽ về yêu cầu, nội dung, hình thức và cơ chế tổ chức hoạt động xã hội hóa theo hướng thu hút sự tham gia rộng rãi của cơ quan, tổ chức và cá nhân với các hình thức thích hợp, nhằm huy động tổng hợp nguồn lực xã hội cho công tác giáo dục quốc phòng, trên cơ sở đó khơi dậy lòng yêu nước, đề cao trách nhiệm công dân tự giác học tập và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, hạn chế những quy định mang tính hành chính bắt buộc./.