Từ khi thành lập (tháng 8/2022) đến nay, 63 Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, qua đó chỉ đạo rà soát, quyết định đưa 327 vụ án, 179 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Xử lý nghiêm nhiều vụ án liên quan cán bộ chủ chốt
Các tỉnh có nhiều vụ án, vụ việc đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo là: Hà Nội 48 vụ, Thanh Hóa 10 vụ; Ninh Thuận, 10 vụ; Bắc Giang 9 vụ, Đồng Nai 9 vụ… Nhiều địa phương đã chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ diện Tỉnh ủy quản lý như Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP. HCM, Phú Yên, Thái Nguyên...
Cùng với tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, ngay sau khi thành lập, một số Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã xây dựng chương trình và tiến hành kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương.
Làm rõ thêm kết quả bước đầu sau 9 tháng thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, ông Trần Cang - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Định cho biết, thời gian qua, Ban chỉ đạo tỉnh Bình Định đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các mặt công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng, kéo dài.
Thường trực Tỉnh ủy đã duy trì nghiêm chế độ giao ban, trực báo về công tác nội chính theo định kỳ; thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân; tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Từ đó, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh trên một số lĩnh vực còn bộc lộ sơ hở, yếu kém dễ phát sinh hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Ông Lê Thanh Vân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bến Tre thông tin, Ban chỉ đạo tỉnh này đã tập trung xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác, thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận tin báo, tố giác, phản ánh liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban chỉ đạo.
Đến nay, Ban chỉ đạo đã tổ chức 4 phiên họp, 1 cuộc họp đột xuất và 5 cuộc họp định kỳ thường trực Ban chỉ đạo. Qua đó, quyết định đưa ra 10 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn tỉnh vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, có nhiều vụ việc sai phạm đã đề nghị sang cơ quan điều tra xác minh làm rõ.
“Từ khi Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập đến nay, có thể khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn so với trước đây, tạo được điểm nhấn, lan tỏa tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”, ông Lê Thanh Vân cho biết.
"Dưới cũng bắt đầu nóng lên”
Còn tại Hà Nội, theo Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức, trong quý I, cơ quan này đã tiếp nhận, xử lý 1.183 đơn, thư; tham mưu phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ sau phiên họp thứ hai, Ban chỉ đạo Thành ủy Hà Nội đã theo dõi, chỉ đạo 47 vụ việc, vụ án. Cũng trong quý I/2023, các cơ quan hành chính của thành phố đã triển khai 339 cuộc thanh tra, kết luận 201 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 33,9 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm với 61 tập thể và 85 cá nhân…
Báo cáo một số cách làm bước đầu đạt hiệu quả ở Lâm Đồng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy chế chung phối hợp giữa Ban Nội chính với công an, viện kiểm sát, tòa án tỉnh. Nhờ đó, các cơ quan phối hợp nhịp nhàng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã xây dựng quy định về việc mua tin phục vụ phòng, chống tham nhũng.
“Quy định này chúng tôi đã xin ý kiến Ban Nội chính Trung ương và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, triển khai thực hiện bắt đầu từ quý 2 năm nay trên phạm vi toàn tỉnh, phổ biến đến các chi bộ. Mua tin là một nội dung không mới, đã được Ban Nội chính Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương cho phép từ lâu nhưng đến thời điểm này, việc ban hành một quy định cụ thể như thế nào là rất cần thiết. Quy chế đã được ban hành, mặc dù chưa mua được tin nào nhưng có hiệu ứng rất tốt trong dư luận, nhân dân địa phương và có tính chất răn đe”, ông Nguyễn Văn Yên cho biết.
Ban Nội chính Lâm Đồng đã nghiên cứu, đề xuất Tỉnh ủy trang bị hệ thống thiết bị giám sát trực tuyến giữa Ban Nội chính với hệ thống tòa án hai cấp, xây dựng mô hình giám sát trực tuyến các phiên tòa thuộc diện Ban chỉ đạo cải cách tư pháp và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
“Chúng tôi sẽ tham dự tất cả phiên tòa xét xử vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Mời các thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tham dự một số phiên tòa, bao gồm cả tòa dân sự, hành chính. Khi dự các phiên tòa này sẽ có tác dụng lớn, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tố tụng cũng như phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời báo cáo cấp trên”, ông Nguyễn Văn Yên cho biết.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, những kết quả trên cho thấy không còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", mà "dưới cũng bắt đầu nóng lên”, qua đó khẳng định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn đúng đắn.
Theo ông, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh mới đi vào hoạt động, đang trong quá trình vừa làm, vừa học, vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm nhưng yêu cầu tiên quyết là Ban chỉ đạo phải là một tập thể mạnh, phải đoàn kết, gắn bó chặt chẽ. Mỗi thành viên phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào./.