Trưa 29/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ngài Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP -26).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Ngài Chủ tịch COP-26 trở lại thăm Việt Nam để trao đổi về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam cùng một số đối tác phát triển; đánh giá cao chuyến thăm rất quan trọng để bàn về vấn đề mà các bên đều quan tâm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là bài toán khó, nên cần tăng cường sự tin cậy, tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau, đồng thời mong muốn bàn về vấn đề này một cách công bằng, minh bạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ là một trong những quốc gia đi đầu, là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc mà còn là một trong những quốc gia đầu tiên đề xuất và đưa khung khổ phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc vào khung khổ phát triển quốc gia.
Bên cạnh đó, là nước chịu tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ tại COP -26, đưa giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là cam kết chính trị mà Việt Nam sẽ kiên trì, quyết tâm thực hiện bằng việc làm cụ thể. Quốc hội sẽ cùng Chính phủ bàn kỹ vấn đề này theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; đồng thời Quốc hội sẽ tổ chức giám sát việc thực hiện các cam kết này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, để triển khai các cam kết, Chính phủ Việt Nam đã thông qua một loạt văn bản quan trọng, đó là Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP-26, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.
Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến yếu tố công bằng, bền vững giữa các nước giàu và nghèo khi thực hiện các cam kết liên quan đến các lĩnh vực thể chế, công nghệ và chi phí; sự gánh chịu của nhà nước và người dân trong cuộc chuyển đổi năng lượng; cần cam kết mạnh mẽ, trách nhiệm cao hơn của các quốc gia phát triển và cần tính tới tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng, thách thức trực tiếp đến việc hiện thực hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và kết quả của COP-26. Về phần mình, Việt Nam muốn lắng nghe kinh nghiệm các nước phát triển nhằm tận dựng cơ hội và vượt qua những thách thức.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn các nước, trong đó có Vương quốc Anh chọn Việt Nam là đối tác quan trọng để đàm phán, chuyển đổi chiến lược năng lượng công bằng.
Chủ tịch COP -26 Alok Sharma cho biết, đây là chuyến thăm lần thứ 3 của ông tới Việt Nam, điều này thể hiện tầm quan trọng trong hợp tác của tổ chức này với Việt Nam. Trước đó, đoàn đã trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường về chuyển đổi năng lượng công bằng.
Cuộc thảo luận vô cùng hữu ích giữa các bên về chiến lược bảo vệ quốc gia Việt Nam và mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính đến năm 2030, sơ đồ điện 8 và hướng tới giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hai bên cùng thống nhất tổ chức hội thảo liên quan đến kỹ thuật chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, giảm quá trình điện than, đáp ứng các lợi ích khác, vừa bảo vệ môi trường.
Chủ tịch COP-26 thông tin, qua trao đổi với các nhà đầu tư tư nhân, họ đều mong muốn đầu tư chuỗi cung ứng mới phục vụ điện năng tại Việt Nam, đây là tín hiệu tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này; mong muốn Việt Nam sửa đổi, cập nhập cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư tư nhân về các hợp đồng mua bán điện tư nhân, các khoản vay xanh với lãi suất ưu đãi…
Chủ tịch COP-26 cũng nhất trí với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về sự công bằng trong thực hiện các cam kết và các bên cần phải có cuộc tọa đàm bàn kỹ về các yếu tố kỹ thuật để thực hiện các mục tiêu đã đề ra./.