Tại các cuộc tiếp Lãnh đạo Công ty Gedeon Richter - công ty đa quốc gia của Hungary hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm và nghiên cứu phát triển (R&D) công nghệ sinh học, Lãnh đạo Công ty Egis - công ty dược phẩm hàng đầu khu vực Trung Đông Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả hoạt động tại Việt Nam và nêu rõ, dược phẩm là lĩnh vực hợp tác rất tiềm năng của Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi.
Giám đốc phụ trách khu vực Việt Nam, Cộng hòa Séc và Serbia của Công ty Gedeon Richter, ông Tibor Novák và Giám đốc khu vực Trung Đông Âu của Egis Attila Molnár, Giám đốc Văn phòng đại diện Egis tại Việt Nam Miklós Szabó trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian tiếp nhân chuyến thăm chính thức Hungary.
Tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc của Gedeon Richter đã có mặt từ năm 1954 và thành lập văn phòng chính thức vào năm 1995. Đặc biệt, trong giai đoạn trước đây, khi Hungary viện trợ dược phẩm cho Việt Nam, Công ty Gedeon Richter là một trong những công ty lớn nhất đã cung cấp sản phẩm thông qua thỏa thuận của hai Chính phủ.
Egis chuyên sản xuất các sản phẩm thuốc với các thành phần hoạt tính, qua viên nén, thuốc tiêm và công thức galenic để điều trị các bệnh về tim mạch, hệ thần kinh trung ương, ung thư... Sản phẩm của Công ty có mặt tại 61 quốc gia. Trong năm tài chính 2020/2021, doanh thu của Egis đạt 542 triệu Euro. Năm 2000, Egis đã thành lập văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, Egis đang triển khai kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đưa Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh thành Văn phòng đại diện của cả ASEAN.
Lãnh đạo Công ty Gedeon Richter và Công ty Egis mong muốn Việt Nam đẩy nhanh hơn tiến độ và đơn giản hoá thủ tục hành chính về đăng ký thuốc để nhiều sản phẩm mới có thể cung cấp vào thị trường Việt Nam; cấp giấy phép phân phối dược phẩm với thời hạn dài hơn; nghiên cứu tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến đăng ký lưu hành thuốc....
Ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, không chỉ Bộ Y tế mà các bộ, ngành khác của Việt Nam đều đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã có kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Dược.
Trong khi chưa sửa đổi Luật Dược, do điều kiện phòng, chống dịch Covid – 19, từ năm 2021, theo ủy quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12 ngày 30/12/2021 cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19.
Theo đó, đã có sự điều chỉnh trong chính sách y tế dự phòng và tự động kéo dài thời gian đăng ký thuốc, công nhận tiêu chuẩn tương đương với dược phẩm của những nước đã được WHO công nhận; ứng dụng công nghệ thông tin để tin học hóa các quy trình, thủ tục, đẩy mạnh công tác kiểm tra và cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẽ sửa đổi Luật Dược phù hợp với luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế.
Với những kiến nghị liên quan đến thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, pháp luật về quản lý chất lượng dược phẩm không có sự phân biệt giữa trong nước và nước ngoài. Các quy định pháp luật về quản lý dược của Việt Nam áp dụng bình đẳng với cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh các doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam, bởi chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp này là rất lớn.
Trao đổi với lãnh đạo hai Công ty, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tiềm năng và dư địa hợp tác phát triển của ngành dược ở Việt Nam là rất lớn. Doanh nghiệp không chỉ tiếp cận được với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam mà còn với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực ASEAN.
Tại cuộc tiếp đồng Chủ tịch Công ty Hungarian Water Parnerghip (HWP) Robert Forintos - Công ty đang triển khai một số dự án nước sạch tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao vai trò của HWP trong việc định hướng cho các công ty thành viên nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực cung cấp nước, xử lý nước tại Việt Nam.
Ông Robert Forintos cho biết, HWP bao gồm 17 công ty thành viên và 8 đối tác chiến lược. Năm 1992, Công ty mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam và năm 1996 trở thành Công ty lớn nhất của Hungary có các dự án đầu tư tại Việt Nam. Công ty luôn tự hào về dự án nước được thưc hiện tại tỉnh Quảng Bình, cung cấp nước sạch cho 120 nghìn người dân huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình. Tuy dự án đã hoàn thành nhưng nếu có phát sinh liên quan, Công ty đều cử chuyên gia hỗ trợ xử lý.
Ban lãnh đạo Công ty mong muốn tiếp tục tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam để nghiên cứu và thực hiện các dự án liên quan đến ngành nước sử dụng các công nghệ và giải pháp hiện đại do HWP cung cấp. Hiện HWP đang triển khai dự án nước sạch tại Quảng Bình giai đoạn 2 và dự án nước sạch tại tỉnh Vĩnh Long. Công ty mong muốn các cơ quan hữu quan của Việt Nam quan tâm, tháo gỡ một số vướng mắc về thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho 2 dự án hoàn thành đúng tiến độ, cam kết sẽ làm hết sức để đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) giai đoạn trước đây và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) hiện nay, đặc biệt là các mục tiêu về bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân và kiểm soát nguồn nước thải gây ô nhiễm.
Nêu rõ, hiện nay nhu cầu sử dụng các thiết bị xử lý nước để có nước sạch của người dân Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là ở các vùng ngoài đô thị, vùng xa, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh HWP và các công ty thành viên hợp tác chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong ngành nước. Đối với các dự án đầu tư của các Công ty thành viên HWP trong lĩnh vực cung cấp, xử lý nước, Việt Nam sẽ dành các ưu đãi theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Với những vướng mắc của các dự án nước của Công ty tại Quảng Bình và Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổng hợp đề xuất Chính phủ xem xét, đẩy nhanh tiến độ, trong đó, hai bên cần bàn bạc cụ thể, trên tinh thần lắng nghe và tôn trọng lợi ích của nhau./.