Chiều nay (6/11), tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; kết quả thực hiện Nghị quyết 31/2016 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và một số đề xuất, kiến nghị. Cùng dự có lãnh đạo Quốc hội, các bộ ngành liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã cơ bản được kiểm soát, GRDP tăng khá đạt 9,45%, thu ngân sách nhà nước đạt 85,1% kế hoạch, đầu tư toàn xã hội ước đạt 26 nghìn tỷ đồng, công tác an sinh xã hội được đảm bảo.

Đáng chú ý sau 5 năm Quốc hội khoá 14 ban hành nghị quyết 31 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 115 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Nghị quyết 31 và Nghị quyết 115 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt, góp phần để 2 năm (2019-2020), Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, thu ngân sách đạt gần 4 nghìn tỷ và về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng quan tâm xem xét chỉ đạo sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021 và cho chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo quyết định 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31/3/2022. Kiến nghị cho phép Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách và hỗ trợ 100% vốn đối ứng phần cấp phát theo tinh thần nghị quyết 115; đồng thời kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét, có ý kiến đồng thuận thay thế quy mô công suất nguồn điện hạt nhân bằng nguồn điện khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) và cập nhật, bổ sung nhà máy điện LNG Cà Ná 2.1 và 2.2 thuộc trung tâm điện lực LNG Cà Ná vào quy hoạch điện VIII…

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những năm qua, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh cùng sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh Ninh Thuận đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Đặc biệt, sau khi Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận đã tích cực ban hành chương trình hành động với 4 nhiệm vụ giải pháp lớn và 30 nhiệm vụ cụ thể để tập trung thực hiện.

“Ninh Thuận đã huy động được các nguồn lực, để từng bước hiện thực hóa chủ trương xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Do đó, đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược. Tập trung vào trong một số lĩnh vực trọng điểm, xuất hiện nhiều dự án quy mô lớn và có tính lan tỏa đã được triển khai và bước đầu có hiệu quả. Về kết quả, tỉnh hoàn thành thực hiện vượt hầu hết chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18. Trong 3 năm liên tục gần đây đều là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất của cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao; phát huy hiệu quả công trình thủy lợi; hỗ trợ chế biến, bảo quản nông sản; hỗ trợ ngư dân, nhất là khai thác ở các vùng biển xa; phát triển công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ và phục vụ cho ngành năng lượng.

Tỉnh Ninh Thuận cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, thực hiện tốt công tác quy hoạch tập trung phát triển các đô thị ven biển. Khắc phục những khâu yếu hiện nay mà các địa phương đang vướng mắc, đó là giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA. Đẩy mạnh chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa. Tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục phát huy bảo tồn văn hóa, truyền thống các hoạt động của đồng bào dân tộc thiểu số;  nghiên cứu tổ chức dạy học an toàn để phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chú trọng về an sinh xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo, vùng cao vùng dân tộc thiểu số.

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch Quốc cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội và giao cho các ủy ban của Quốc hội cùng với tỉnh Ninh Thuận chủ động tổ chức.

“Chính sách đối với giá điện của dự án điện gió, hiện nay đang bị chậm tiến độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị với Chính phủ nghiên cứu để có thể gia hạn thời hạn áp dụng của biểu giá này. Nhất là với những dự án đã làm cơ bản xong, nhưng chưa vận hành được, do những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid 19. Đây cũng là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế. Đặt trong bối cảnh đó để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Còn đối với giá điện mặt trời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành cơ chế, chính sách để đấu thầu, lựa chọn dự án đầu tư, chủ đầu tư trong các dự án điện mặt trời”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về các đề nghị khác của tỉnh Ninh Thuận liên quan đến cơ chế áp dụng tỷ lệ cho vay lại 10%, hỗ trợ 100 % vốn đối ứng cho các dự án quan trọng cấp bách sử dụng vốn nước ngoài; đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư tại vị trí quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các nội dung tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội./.