Ngày 13/8, sau khi thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân Thủ đô, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố Hà Nội, chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Thành phố. Cùng tham gia đoàn có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; lãnh đạo một số bộ, ngành và Thành phố Hà Nội tại các đầu cầu trực tuyến.
Phát biểu tại buổi làm việc, cùng với yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được để thành quả hai năm chống dịch trở nên vô nghĩa vì những đau thương mất mát, Chủ tịch nước yêu cầu Hà Nội nhanh chóng kiểm soát dịch dịch bệnh để không chỉ bảo vệ Thủ đô mà còn là hậu phương vững chắc cho các địa phương khác. Chủ tịch nước cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế hơn nữa để tìm kiếm nhiều nguồn vaccine nhất cho đất nước.
Theo gợi ý của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc nêu bài học chống dịch ở Hà Nội, nhiều đại biểu dự họp đánh giá, Hà Nội đã chủ động chiến lược làm sạch cộng đồng bằng cách ly F1, tách F0 ra khỏi cộng đồng và điều trị, giúp không lâm vào tình trạng quá tải các khu điều trị.
“Chúng ta chấp nhận tốn kém chi phí, nhưng lại đảm bảo việc xét nghiệm để bóc nhanh F0 ra khỏi cộng đồng. Tức là đối với vùng đỏ thì phải làm xét nghiệm đồng bộ. Trong vùng xanh cũng có đối tượng đỏ, tức đối tượng có nguy cơ, thì ở đây Hà Nội đã làm đúng. 1,5 triệu xét nghiệm PCR, 2 triệu test nhanh, tổng cộng 3,5 triệu, như vậy đáp ứng được yêu cầu” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, ông ủng hộ ngay từ đầu khi Hà Nội chủ động từ sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, và biện pháp này được người dân Thủ đô ủng hộ.
"Tôi thấy chủ trương, cách làm của Hà Nội là đúng và sát thực tế và hiệu quả, được sự ủng hộ, đồng lòng, chung sức của nhân dân, đúng theo phương châm tin vào dân, dựa vào dân và vì cuộc sống của nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Bản thân tôi rất nhẹ lòng, yên tâm và tin là Hà Nội sẽ kiểm soát được COVID-19” - ông Đỗ Văn Chiến nói.
Còn bà Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao Hà Nội có sự thống nhất và thông suốt từ Thành phố đến cơ sở. Bà Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: “Ở đây có bài học bao trùm là xác định nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của Thành phố Hà Nội là xác định chống dịch như chống giặc, tập trung số 1 và gần như là duy nhất. Cho nên chúng ta dồn sức cho việc này bởi lẽ thời gian không phải dài, chỉ cần vài tuần để kiểm soát dịch. Thì tư tưởng này đã thông suốt trong toàn thể cán bộ và xuống nhân dân. Nhân dân tự giác chấp hành và đồng thuận rất cao. Đây là bài học rất sâu sắc.”
Hà Nội đã cầu thị, lắng nghe
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội anh hùng đã có những thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống đợt dịch lần thứ 4, trong đó có việc áp dụng từ sớm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ một cách quyết liệt, cụ thể, được nhân dân ủng hộ.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Hà Nội - Thủ đô của cả nước, trung tâm văn hóa chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, và đặc biệt là một trung tâm giao thương, đầu mối giao thông cả nước nên dễ bị lây lan dịch bệnh trong cộng đồng trên diện rộng vì dân số đông. Vì vậy, ưu tiên của Bộ Chính trị, của Trung ương là cần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, biến Thủ đô thành nơi an toàn, thành hậu phương quan trọng, vững chắc, từ đó có thể kết nối với các tỉnh khác và chi viện cho các địa phương đang bị tác động nặng nề của COVID-19.
"Nếu trung tâm cả nước, trái tim cả nước bị khủng hoảng thì ảnh hưởng rất lớn đến liên vùng và cả nước. Tính chất cao như vậy. Tôi cho rằng, Hà Nội đã có quyết định giãn cách xã hội rất kịp thời, giúp tạo bức tường thành ngăn chặn đại dịch lây lan, tránh nguy cơ khủng hoảng lây lan dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng kinh tế xã hội”- Chủ tịch nước nói.
Tán thành với các bài học mà đại biểu dự họp nêu ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hà Nội đã rất đúng khi áp dụng phương châm 4 tại chỗ, 5 tại chỗ, tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng từ sớm, giảm lây lan, từ đó giảm số ca tử vong. Hà Nội cũng chủ động 6.000 giường bệnh điều trị ca F0 và có thể nâng lên 30 nghìn thời gian tới; chuẩn trên 62 nghìn chỗ cách ly F1; sẵn sàng điều trị phương án “5 tầng”. Đặc biệt, Hà Nội đã huy động tốt lực lượng y tế, công an, quân đội chống dịch; cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Thành ủy, UBND, HĐND Thành phố đã lắng nghe ý kiến của người dân, đơn giản thủ tục hành chính nhanh hơn, sửa sai nhanh hơn trong an sinh xã hội, đi lại, vận chuyển hàng hóa đối với người dân. Xác nhận của các đồng chí về đi lại đã được bãi bỏ. Hay hôm qua tôi đã nghe thông tin trợ cấp cho lao động tự do rất khó khăn thì đến đây các đồng chí cho biết đã giải quyết xong vấn đề này. Như một trận bóng đá, hai vị trí rất quan trọng, đó là hậu vệ chính là giãn cách xã hội, là Chỉ thị 16; và vị trí thứ hai là thủ môn, đó là vắc xin. Các đồng chí đã có biện pháp tiêm hết vắc xin được cấp. Đặc biệt các đồng chí đã dựa vào người dân, người dân ủng hộ. Và tôi nhấn mạnh hệ thống chính trị cơ sở được phát huy, đó là điều không phải nơi nào cũng làm được, đây là bài học chung trong chỉ đạo.”
Không để “mất bò mới lo làm chuồng”
Trước bối cảnh dịch bệnh, Chủ tịch nước yêu cầu Hà Nội đặt mục tiêu cụ thể: “Một tinh thần, mục tiêu nào đặt ra lúc này, trong lúc dịch bệnh toàn cầu với biến thể nguy hiểm Delta? Đó là không để quá tải bệnh viện, không để bệnh nặng tăng nhanh, đặc biệt không để chết nhiều người. Nếu ngành y tế, cấp ủy chính quyền các cấp để chết nhiều người, đó là một khuyết điểm. Chúng ta phải đặt vấn đề này với trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân để bảo vệ con người, người dân là trên hết, trước hết.”
Do đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần áp dụng nhiều biện pháp mạnh hơn: “Một là, quan tâm đến hiệu quả của “5 trụ cột” trong phòng chống dịch, gồm: giãn cách, xét nghiệm, điều trị, vacxin và công nghệ. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, phù hợp với diễn biến dịch ở từng khu vực, từng địa bàn phải giãn cách. Qua kiểm tra, tôi thấy giãn cách xã hội được rất nghiêm. Về xét nghiệm, Xem xét tăng cường năng lượng xét nghiệm quy mô lớn, thời gian nhanh để kịp thời khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao bằng hình thức xã hội hóa mà như Giám đốc Sở Y tế đã tuyên bố 1,3 triệu người trong vùng đỏ sẽ tiếp tục được xét nghiệm để sàng lọc. Về điều trị, nên tăng cường năng lực tầng dưới, giảm tải tầng trên, cần tập huấn hệ thống y tế cơ sở, kể cả tổ công tác COVID-19. Tiếp tục phát huy vai trò tổ Covid cộng đồng, một bài học kinh nghiệm. Mỗi người dân có dấu hiệu ho, sốt đều phải được quan tâm xử lý kịp thời, không để “mất bò mới lo làm chuồng”, cấp cứu rồi mà gọi xe không được”.
Khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế hơn nữa để tìm kiếm nguồn vaccine cho đất nước, Chủ tịch nước cho rằng, vaccine là vấn đề chiến lược giảm ca bệnh nặng và giảm tử vong. Do đó Hà Nội có chiến lược tiêm hợp lý, nhất là ở những vùng đỏ và quan tâm đến người cao tuổi, bệnh nền, người nghèo…
Nhắc lại trường hợp chiến sĩ công an hy sinh vì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 mới đây, Chủ tịch nước cũng yêu cầu Hà Nội bảo vệ tốt nhất, an toàn cho đội ngũ y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu khác bằng tiêm hai mũi càng sớm càng tốt.
Như mọi sự nghiệp khác của đất nước, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh, cần luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của chính quyền, cấp ủy, từ đó mọi hành động, chính sách hướng tới bảo vệ, chăm lo cho dân. Nhắc lại việc vừa rồi có nhiều giấy xác nhận cư trú, giấy phép cung cấp hàng hóa của shipper…, Chủ tịch nước yêu cầu quan tâm đến suy nghĩ của người dân, không chọn giải pháp phần dễ cho chính quyền, phần khó cho người dân. Khi ban hành các chính sách phải lường trước mặt trái, khó khăn, trở ngại của người dân có thể gặp phải để có giải pháp đi kèm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Chủ tịch nước yêu cầu Hà Nội tính toán phương án kết hợp phòng chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh ở mức độ phù hợp, để có nguồn lực chống dịch bảo đảm an sinh xã hội, ổn định xã hội, nhưng trước tiên là chống dịch. Cùng với đó là có kế hoạch lâu dài để tái thiết lại nền kinh tế khi kiểm soát được dịch.
Kết thúc buổi làm việc, thay mặt các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Hà Nội 40 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống COVID-19./.