Chiều nay (5/12), HĐND thành phố Hà Nội đã kết thúc kỳ họp thứ 11 sau 3 ngày làm việc. Trước khi bế mạc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tham gia trả lời các nội dung đại biểu HĐND thành phố quan tâm.

Liên quan đến nội dung chậm phê duyệt quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, theo quyết định năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ để quy hoạch được hai bên bờ sông Hồng phải thực hiện được quy hoạch phân lũ của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.

Hiện chưa thống nhất được giữa chuyên gia thẩm định và các nhà khoa học về quan điểm đoạn qua sông Hồng nên để theo quy hoạch mức báo động 3 hay mức báo động 2.

ct_nguyen_duc_chung_abvo.jpeg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trả lời đại biểu HĐND Hà Nội ngày 5/12. (Ảnh: Infonet).

Nếu để theo mức báo động 2 sẽ không thể giải quyết cải tạo các khu vực đô thị ở ngoài sông với trên 800.000 dân vì không đủ nguồn lực để di chuyển số dân này. Nếu xây dựng đảm bảo mức báo động 3 cho 500 năm thì sẽ có diện tích 9.200 ha, hoàn toàn có điều kiện tài chính để xây dựng khu đô thị sinh thái mới và cải tạo khu đô thị cũ cho người dân.

“Hiện nay theo luật quy hoạch lại không thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố nữa mà là thẩm quyền của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn quy hoạch hai bên bờ sông do 3 tập đoàn Sungroup, Vingroup và Galeximco tài trợ 30 triệu USD đã thuê các chuyên gia, các tập đoàn lớn trên thế giới nghiên cứu được hơn 3 năm. Chúng ta chờ được quy hoạch phân lũ xong thì sẽ áp quy hoạch này vào để công bố lấy ý kiến người dân”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Về chuyển dịch các cơ sở sản xuất ô nhiễm, ông Nguyễn Đức Chung xác nhận trong những năm vừa qua đã có 67 cơ sở dịch chuyển ra khỏi nội đô, tuy nhiên thành phố chưa nhận được cơ sở nhà đất nào do các đơn vị này di chuyển bàn giao lại. Đồng thời cho biết còn nhiều vướng mắc về việc di chuyển cơ sở sản xuất ô nhiễm và không thuộc quy hoạch.

“Đây là các nhà máy xí nghiệp của các đơn vị nhà nước, khi chuyển đi họ chỉ có nguồn lực từ quyền sử dụng đất, hoặc nhà nước phải đầu tư cơ sở mới, đây là vấn đề bất cập. Thứ 2 là liên quan đến quy hoạch của các bộ ngành, đến giờ phút này quy hoạch của các bộ ngành, Bộ Xây dựng cũng chưa làm xong cho nên trong thời gian tới khi duyệt xong thì mới chuyển đi được”, Chủ tịch UBND Hà Nội nói.

Trước đó, sáng nay, trả lời chất vấn về nội dung này, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Hà Nộ Nguyễn Trọng Đông cho biết việc di dời gặp vướng mắc do các Bộ ngành chưa xây dựng xong cơ chế chính sách hỗ trợ di dời cho các công ty, xí nghiệp.

Do đó các doanh nghiệp gặp khó khăn trong năng lực tài chính để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất ở nơi mới, bên cạnh đó, cũng còn tâm lý ngại di dời do lo ngại lao động bỏ việc khi chuyển địa điểm./.