40 năm đất nước hòa bình, bên cạnh những nỗ lực hòa hợp về chính trị, kinh tế, chúng ta đã từng bước xóa dần những cách biệt về văn hóa - tư tưởng, ý thức hệ giữa hai miền, tạo nên sự thống nhất, hòa hợp, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về vấn đề này.

PV:Vì chiến tranh, đất nước ta có mấy mươi năm chia cắt. Nhưng có lẽ không chỉ chia cắt về mặt địa lý, hành chính mà cả vấn đề ý thức hệ, tư tưởng, văn hóa nghệ thuật… Xin ông cho biết rõ hơn về thực trạng này?

ong_ky_mhbb.jpg
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Hiệp định Geneva không chỉ là chia cắt về địa lý mà còn ý thức hệ, ít nhiều là chia cắt lòng người. 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hệ thống chiến tranh tâm lý của địch đã làm cho nhiều người tưởng nhầm sông Bến Hải là giới tuyến, miền Bắc và miền Nam là 2 quốc gia khác nhau, đi theo hai ý thức hệ khác nhau. Ở miền Nam đã sinh ra một dòng văn học bị nô dịch phục vụ cho chính quyền tay sai bán nước, phục vụ cho bộ máy chiến tranh.

Bên cạnh dòng văn học phản động ở miền Nam trước năm 1975, còn có dòng văn học, nghệ thuật yêu nước tiến bộ cũng đã phát triển. Nổi lên những cây bút, tên tuổi như: Vũ Hạnh, Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Dương Tử Giang, Lê Vĩnh Hòa, Trần Ngọc Sơn, Trọng Tuyên…

Họ cũng là những người phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ, phản đối chính quyền tay sai, kêu gọi mọi người đấu tranh chống lại ách nô dịch Mỹ - Mỹ, khát khao đất nước thống nhất hòa bình, đi lên cuộc sống tốt đẹp. Dòng văn học này được tiếp sức của cả lực lượng văn nghệ sĩ miền Bắc, hoặc lực lượng văn nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, tạo nên một dòng chảy rất mạnh mẽ, thôi thúc, cổ vũ tinh thần đấu tranh của đồng bào miền Nam vì sự thống nhất đất nước, 2 miền hòa hợp để đi lên.

PV: 40 năm xây dựng đất nước chúng ta đã hòa hợp về vấn đề kinh tế, chính trị. Trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chúng ta đạt được thành quả như thế nào, thưa ông?

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ:  Sau năm 1975, cả nước thống nhất đi lên Chủ nghĩa xã hội, nhưng không phải đã tạo được sự đồng thuận, hòa hợp ngay lập tức. Nhiều người có thể không muốn, thậm chí một bộ phận nhỏ đi ra nước ngoài với một lòng thù hận khá nặng nề, u ám. Nhưng bằng đường lối rất nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, “Bắc – Nam là con một nhà, là cây một cội, là hoa một cành”,  chúng ta đã thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, thống nhất về mặt văn hóa, tập hợp rộng rãi mọi người Việt Nam vì đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh. Chính sách đó đã dần dần thấm sâu trong đời sống của đất nước.

Cùng với việc đấu tranh chống lại những tàn dư văn hóa phản động thì việc chọn lọc, giữ gìn, phát huy những yếu tố dân tộc, dân chủ tiến bộ trong văn học nghệ thuật ở vùng tạm chiến trước đây cũng được tiến hành khá tốt. Ví dụ như trong lĩnh vực xuất bản, bằng sự gạn đục khơi trong, chúng ta đã cho phép lưu hành 1067 cuốn sách tiếng Việt, 562 cuốn sách tiếng Anh, 359 cuốn từ điển bằng tiếng nước ngoài. Chúng ta đẩy mạnh, nghiên cứu, chọn lọc, phổ biến những tác phẩm tiến bộ, không làm tay sai cho những kẻ cướp nước và bán nước.

PV: Mấy năm gần đây, nhiều nghệ sĩ một thời bỏ Tổ quốc ra đi đã về  nước và được cấp phép biểu diễn; Nhiều tác phẩm một thời bị cấm nay được cấp phép lưu hành. Phải chăng đó là biểu hiện sinh động nhất tinh thần hòa hợp dân tộc trên lĩnh vực văn hóa?

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ: Công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, hòa nhập với bên ngoài của chúng ta là câu trả lời sinh động nhất, chính xác và khách quan nhất để cho bà con mình bên ngoài hiểu về Tổ quốc mình. Ai đó một đôi lần về với nguồn cội, về với Tổ quốc thì mới hiểu được sự đổi mới của đất nước mình, từ kinh tế cho đến chính trị, xã hội, văn hóa, văn học nghệ thuật…

Chương trình Xuân quê hương 2015 với chủ đề "Tổ quốc vinh quang" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 8/2/2015. Khoảng 1.000 kiều bào đã tham dự chương trình. (Ảnh: Vũ Hưng)

Những người trở về gần như tất cả họ đều rơi nước mắt vì thấy rằng đúng là muốn nói gì thì nói thì Tổ quốc này là quê chung của tất cả mọi người Việt Nam. Tổ quốc này luôn luôn mở rộng vòng tay với những người con trở về đất mẹ.

Chúng ta tin rằng với một đường lối, quan điểm đúng đắn, với những chính sách cởi mở, công bằng, nhân ái, nhân văn, chắc chắn là những khoảng trống nào đó trong lòng người, trong tư tưởng sẽ được hàn gắn dần.

 PV:Xin cảm ơn ông./.