Trong căn nhà khang trang ở đường Đỗ Đức Dục, phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, ông Hoàng Ngánh, năm nay đã gần 90 tuổi, là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy vẫn còn rất minh mẫn, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông Ngánh, quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, 17 tuổi lên đường nhập ngũ, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại đơn vị Đại đội 505, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Tháng Giêng năm 1954, ông Ngánh cùng đồng đội được điều lên Điện Biên, để làm đường, đào hào, kéo pháo, sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu.
Ông Hoàng Ngánh kể, nhiệm vụ đầu tiên của đơn vị là bắn vào sân bay Mường Thanh, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, làm tê liệt cứ điểm này, diệt các cứ điểm pháo binh của địch để bộ binh xung phong đánh vào. Tuy vất vả, nguy hiểm nhưng ta đã thắng lợi ngay trong trận đầu tiên, tạo thuận lợi cho bộ binh ta tổ chức tiến công tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, đập vỡ tuyến phòng thủ phía Bắc của địch.
Bàn tay ông Ngánh run run chỉ vào những tấm Huân, Huy chương, Huy hiệu được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, dừng lại ở tấm có khắc hình bác Hồ, đôi mắt người chiến sĩ Điện Biên ánh lên niềm tự hào.
Ông Ngánh kể lại: “Chúng tôi đánh vào đồi Him Lam, đồi Độc Lập ở Điện Biên. Sau khi đánh xong chúng tôi chuyển vào trung tâm đánh vào trận địa địch và làm cho địch bị suy yếu. Lúc ấy, pháo binh dội liên tục ngày đêm, dây thép gai chằng chịt nên chúng tôi phải khoét núi, đào hầm, dành từng cứ điểm, từng chiến hào, từng khu vực, dần dần làm địch suy yếu rồi đầu hàng. Anh em chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, suốt ngày giáp mặt với địch. Bạn bè đồng đội của tôi ở trong 1 tiểu đội hi sinh 6 người ở trong chiến hào. Tôi đã gặp Bác Hồ 1 lần, Bác tới thăm anh em đồng đội và Bác động viên chúng tôi. Sau chiến thắng, các đơn vị về hậu phương. Đồng đội cựu chiến binh thương nhau, gặp gỡ và được địa phương tặng quà.”
Cũng như ông Hoàng Ngánh, ký ức về những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đối với ông Đồng Quang Vinh ở phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng là những ngày tháng không thể nào quên. Ở tuổi 90 tuổi, kỷ niệm những ngày tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.
Ông Vinh vào bộ đội năm 1953 khi 16 tuổi và được phân công về Sư đoàn 350, Trung đoàn 94 thuộc Quân khu 5. Vào bộ đội không bao lâu, ông Vinh được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của ông Vinh cùng đồng đội lúc đó là làm đường, đào hào, rồi “kéo pháo vào, kéo pháo ra” do chỉ huy bất ngờ thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Ông Vinh kể: “Tôi tham gia đi Bộ đội rồi điều lên Điện Biên để tham gia chiến đấu. Ngày ấy muốn đánh vào đồn của địch, bộ đội ta phải đào giao thông hào. Khi đến gần vị trí của địch, để không bị phát hiện, chúng tôi phải đào hào vào ban đêm, rồi kéo pháo từ dưới đồng bằng lên. Chiến trường thì ác liệt, gian khổ là vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhụt chí, chùn bước”.
Ông Huỳnh Bá Thành, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 24 cụ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống. Thời gian qua, ngoài phối hợp với Ban liên lạc Điện Biên Phủ để gặp gỡ, thăm hỏi, tri ân sự cống hiến của các cụ, Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng tham mưu Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố và các địa phương, tổ chức thăm hỏi sức khoẻ, động viên, tỏ lòng biết ơn những hy sinh, mất mát của các cụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông Huỳnh Bá Thành cho biết: “Chúng tôi rất vui khi thấy các cụ dù tuổi đã cao, nhiều cụ sức khoẻ vẫn rất tốt và minh mẫn. Các cụ luôn giữ vững bản chất, truyền thống của anh bộ đội cụ Hồ, thường xuyên có những ý kiến tâm huyết tham gia công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của chính quyền địa phương. Chúng tôi luôn luôn trân trọng, ra sức học tập, nêu gương những cống hiến, hy sinh, đóng góp của các cụ trong công tác xây dựng hội cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố”.
70 năm trôi qua, những ngày tháng chiến đấu gian khổ, đầy tự hào của những người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa mãi là trang sử hào hùng để các thế hệ con cháu khắc ghi, học tập, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên xây dựng quê hương đất nước.