Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới Thu- Đông (1950- 2020), sáng nay (2/10) tại tỉnh Lạng Sơn, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử.
Hội thảo đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các Học viện, nhà trường, các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, các nhà khoa học và các nhân chứng lịch sử… Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950; một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tình đoàn kết quốc tế và sự phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Bội Giong (96 tuổi), nguyên cán bộ Văn phòng Tổng Chính ủy, phái viên Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Biên giới 1950 nhớ lại, lúc Bác lên Sở Chỉ huy chiến dịch Biên giới ở huyện Quảng Uyên, Bác nói: “Bác không muốn ở chỗ nào mà trên bản đồ của địch có dấu, cứ để Bác ở một thôn mà không có tên tuổi ghi chép ở trên bản đồ.” Sau đó, Bác ở cách Quảng Uyên khoảng 4 km. Lên hôm trước, hôm sau là Bác yêu cầu tất cả đi vào công việc ngay.
Từ khoảng giữa năm 1949, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch bao vây căn cứ địa Cách mạng Việt Bắc, âm mưu phát triển ngụy quân phong tỏa khu vực biên giới phía Bắc nhằm tập trung lính Âu - Phi thành lực lượng cơ động đối phó với quân chủ lực của ta. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phải phá tan âm mưu của giặc Pháp, tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của cách mạng Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa để mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
Thực hiện yêu cầu chiến lược và chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Trải qua 29 ngày đêm (từ 16/9 - 14/10/1950) với tinh thần chiến đấu dũng cảm, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, không chỉ tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch mà còn giải phóng một vùng đất rộng lớn, khai thông biên giới Việt Nam - Trung Quốc; nối liền liên lạc giữa Cách mạng Việt Nam với phong trào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới...
Tại Hội thảo, những dấu ấn lịch sử của chiến dịch, sự chỉ đạo sâu sát và tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta đã được các đại biểu phân tích, làm rõ, đúc rút ra những bài học có thể vận dụng trong những giai đoạn mới của cách mạng đất nước.
Thiếu tướng, PGS, TS Trần Khắc Đào, Phó Giám đốc Học viện Lục quân đánh giá, chiến dịch Biên giới Thu-Đông 1950 đã để lại rất nhiều bài học lịch sử về nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng trong tác chiến nói riêng. Đây là tài sản quý để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tác chiến trong điều kiện mới nhằm bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.
Kỷ niệm Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh cho thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950 nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam.
PGS.TS Vũ Quang Hiển, Giảng viên Khoa Lịch sử (trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho biết, Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là một cột mốc bằng vàng, cắm giữa cuộc kháng chiến trường kì và anh dũng của nhân dân Việt Nam. Với tinh thần đoàn kết của toàn dân, với sự phối hợp mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng và trực tiếp là Bộ chỉ huy chiến dịch, Chiến dịch Biên giới đã thắng lợi một cách giòn giã.
Trong lịch sử phát triển của đất nước, Chiến thắng Biên giới Thu-Đông 1950 mãi luôn là những cứ liệu lịch sử giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, giá trị lịch sử cũng như đúc rút bài học kinh nghiệm để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.