Chiều 4/1, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Nhìn lại 2021- Những chuyển hướng chiến lược”.
Dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng.
Trả lời băn khoăn cho rằng, thời điểm Việt Nam chuyển hướng chiến lược từ “zero covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có thể hơi chậm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên phủ nhận quan điểm này và khẳng định, thời điểm Việt Nam chuyển hướng chiến lược là đúng với tình hình phòng chống dịch của nước ta.
Theo Thứ trưởng Y tế, dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta là một bệnh truyền nhiễm mới nổi, Việt Nam vừa nghiên cứu vừa đưa những giải pháp, biện pháp phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, với dịch bệnh truyền nhiễm do virus thì biện pháp phòng chống hiệu quả là tiêm vaccine, nên ngay khi dịch bệnh bùng phát, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang tích cực tìm tòi, nghiên cứu vaccine.
Thời điểm đầu Việt Nam sử dụng chiến lược “Zezo Covid” là phù hợp. Đến khi Việt Nam tiếp cận và tổ chức tiêm vaccine với độ bao phủ vaccine cao nhất, cùng với ý thức người dân được nâng lên thì chúng ta bắt đầu chuyển hướng chiến lược.
Theo dự báo của WHO, trong năm 2021, 2022 chưa thể kiểm soát hết tình tình dịch bệnh, dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát chủng mới và thực tế, thời gian gần đây đã xuất hiện chủng mới Omicron sau chủng Delta.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine mũi 1 cho người trưởng thành trở lên đạt trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy, độ bao phủ vaccine đã đảm bảo được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hướng chiến lược từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt là thời điểm phù hợp với tình hình phòng chống dịch của Việt Nam và đang mang lại hiệu quả cho mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế- xã hội.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có ý nghĩa rất quan trọng cả trong chống dịch và phát triển kinh tế.
Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Trong năm 2020 và 2021, từ đợt dịch đầu tiên đến đợt dịch thứ 3, thứ 4 bùng phát, những chiến lược chống dịch mà Chính phủ đưa ra phù hợp và hiệu quả với từng giai đoạn chống dịch.
“Vậy thì thời điểm Nghị quyết 128 mà Chính phủ đưa ra đã chín muồi chưa? Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vaccine cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí chống giặc. Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 cũng không nên muộn hơn bởi quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói như vậy, đồng thời khẳng định, Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128, Việt Nam mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay.
6 nguyên tắc trong phòng chống dịch
Cùng chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, gần 2 năm chống dịch, dựa vào giải pháp đặc thù Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, nước ta rút ra 6 nguyên tắc quan trọng trong phòng chống dịch đó là: y tế là trụ cột, kinh tế là cơ sở, ổn định an ninh xã hội là trọng yếu thường xuyên; công nghệ, dữ liệu là then chốt; vaccine, thuốc điều trị và ý thức cộng đồng là tiên quyết; sản xuất để an toàn, an toàn để sản xuất.
Theo ông, việc nước ta ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch. Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi nước ta đã có tỉ lệ phủ vaccine nhất định.
Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỉ lệ phủ vaccine trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vaccine cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chỉ cách ly diện hẹp. Việt Nam đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam.
“Chúng ta chuyển trạng thái qua Nghị quyết 128 là một sự thay đổi và là quyết định thay đổi khó khăn. Tôi cho rằng quản lý sự thay đổi đó cũng là một thách thức lớn, chúng ta mở ra cũng xác định, chấp nhận có rủi ro nhất định, khi giao lưu, tiếp xúc nhiều. Quá trình hiện nay là quản lý sự thay đổi ấy, chúng ta phải làm tốt để đảm bảo nội dung, mục đích của Nghị quyết 128 được thực hiện nhất quán. Nghị quyết 128 là một nghị quyết mở cho các địa phương, doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng là một nghị quyết tiếp tục điều chỉnh theo thực tế cuộc sống đặt ra” – ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh./.