Năm 2023 vừa qua Chi bộ làng Chứ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy kết nạp thêm hai đảng viên mới là A Nói và Phạm Quang Anh. Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng làng Chứ A Thoải cho biết, Chi bộ cũng đã cử ba quần chúng ưu tú người Gia Rai, gồm: Y Phư, A Hlưm và A Num đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Điểm chung giữa hai đảng viên mới và ba quần chúng ưu tú đều là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình cũng như gương mẫu trong xây dựng nông thôn mới.

Theo ông A Thoải, ở cộng đồng, 12 đảng viên của chi bộ là 12 tuyên truyền viên. Muốn người dân nghe, tin và làm theo thì mỗi đảng viên nhất định phải lao động sản xuất tốt, đi đầu trong các hoạt động của làng: "Mạnh chi bộ, mạnh mình đã mình mới nói được họ. Gia đình mình còn khổ, mình muốn đi vận động, tuyên truyền cho hộ khác thì cũng rất khó. Mình phải có tiếng nói đã, mình phải làm được trước đã thì họ mới nghe được. Mình phải hơn họ thì mình nói họ nghe hơn. Chi bộ làm vườn rau chính sách, tham gia xây dựng nông thôn mới, nội bộ mình phải đoàn kết thì mới làm được việc".

Đảng bộ xã Ya Ly, huyện Sa Thầy hiện có 9 Chi bộ trực thuộc với 81 đảng viên, trong đó có 34 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Ya Ly đã phát triển được 22 đảng viên mới. Năm 2024 các chi bộ của ba làng: Chứ, Tum, Chờ dự kiến phát triển từ 5-7 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Như vậy chỉ tính đến hết năm nay Đảng bộ xã sẽ vượt mục tiêu phát triển 25 đảng viên mới mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.  

Chia sẻ về kinh nghiệm tìm nguồn trong phát triển đảng viên mới, Bí thư Đảng uỷ xã Ya Ly Phan Chí Thiện, cho biết, thông qua sinh hoạt, các cuộc hội họp, hoạt động của người dân, cấp uỷ, chi bộ và từng đảng viên đều có trách nhiệm tìm tòi, phát hiện nhân tố mới, ưu tú trong cộng đồng.

Để chi bộ mạnh, đoàn kết tập hợp được quần chúng trong quá trình phát triển đảng viên mới phải lựa chọn được người có uy tín trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày và lao động sản xuất. Đồng thời quan tâm, chú ý hướng dẫn, dìu dắt những người trẻ, có học vấn.

Ông Phan Chí Thiện khẳng định, nhờ xây dựng được Chi bộ, Đảng bộ vững mạnh, phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng đảng viên, đến cuối năm 2023 xã Ya Ly, huyện Sa Thầy đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

"Thông qua các đảng viên trong Ban Chấp hành, đảng viên tại chi bộ kiêm thôn trưởng, đảng viên tại các thôn làng giúp rất nhiều cho Đảng uỷ xã trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể như năm vừa rồi chúng tôi làm nông thôn mới vận động bà con hiến đất, làm đường, hỗ trợ ngày công, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp của thôn làng thì vai trò của đảng viên các Chi bộ rất quan trọng" - ông Thiện chia sẻ.

Nhờ đặc biệt quan tâm, chú trọng tới việc xây dựng chi bộ vững mạnh và  phát triển đảng viên mới ở các thôn làng, năm 2023 Đảng bộ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã kết nạp được 97 đảng viên mới, đạt 102% kế hoạch, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 2.033 đảng viên. Đến nay tất cả 64 thôn làng trong huyện đều hoàn thành việc nhất thể hoá chức danh Bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng hoặc Trưởng ban công tác mặt trận thôn.

Bà Y Sâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Sa Thầy cho biết, để người trẻ ở các thôn làng có trình độ học vấn, năng lực mong muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng, Huyện uỷ Sa Thầy chú trọng việc xây dựng chi bộ vững mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

"Chúng tôi quan tâm đến việc phát triển đảng viên ở vùng nông thôn và đặc biệt là việc phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để người dân tin tưởng đối với công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng. Qua việc làm cụ thể thế hệ trẻ thấy được Đảng, chính quyền quan tâm tới phát triển kinh tế gia đình cũng như việc xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ. Trên cơ sở đó chúng tôi xây dựng nguồn, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ để kết nạp vào Đảng" - bà Y Sâm thông tin.

Từ việc xây dựng chi bộ vững mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, đánh giá của Huyện uỷ Sa Thầy cho thấy nội dung, phương thức hoạt động của chi bộ ở các thôn làng được đổi mới, đi vào nền nếp, thực chất hơn.

Các chi bộ và mỗi đảng viên ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động do Tỉnh uỷ Kon Tum phát động, như "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững"; "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số"; "Tăng cường lãnh đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp"…

Là huyện biên giới của tỉnh Kon Tum với xuất phát điểm về điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn song đến cuối năm 2023 huyện Sa Thầy đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 52 triệu đồng. Toàn huyện có 54/64 thôn, làng được công nhận "Thôn, Làng văn hóa".