Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo thành phố Cần Thơ, đại diện các tầng lớp nhân dân và đại diện gia đình đã dâng hương tưởng niệm và ôn lại thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những đóng góp cho quê hương và đất nước của đồng chí Châu Văn Liêm.
Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29/6/1902, trong một gia đình Nho học tại làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ). Thuở niên thiếu, Châu Văn Liêm bắt đầu học chữ Quốc ngữ và được cha mẹ cho ra trường tỉnh học. Sau khi đậu bằng Thành chung, ngày 3/7/1922, Châu Văn Liêm vào học Trường Sư phạm Đông Dương ở Sài Gòn và tốt nghiệp vào năm 1924, sau đó được phân bổ về dạy ở trường Nữ tỉnh Long Xuyên.
Niên học 1926 - 1927, do đấu tranh chống đốc học người Pháp và những giáo viên không có trách nhiệm với học sinh, đồng chí bị điều động đến dạy ở một ngôi trường xa xôi thuộc làng Long Điền, quận Chợ Thủ, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang).
Bên cạnh hình ảnh là một Thầy giáo có tinh thần yêu nước, đồng chí Châu Văn Liêm còn là một Nhà cách mạng. Đồng chí đã đứng ra thành lập nhiều tổ chức yêu nước như “Việt Nam phục quốc Đảng” (tại Nam Nhã Đường Cần Thơ), “Hội giáo viên, học sinh yêu nước Long Xuyên” (1926), tiệm thuốc Bắc “Việt Hưng Đường” ở Thới Lai, Ô Môn (Cần Thơ). Bề ngoài, tiệm thuốc với danh nghĩa bán thuốc Đông y nhưng bên trong là nơi liên lạc, phổ biến sách báo tiến bộ.
Đồng chí Châu Văn Liêm đã sớm tham gia nhiều phong trào cách mạng ở Sài Gòn và Long Xuyên. Năm 1928, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Long Xuyên. Năm 1929, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Kỳ bộ Nam kỳ và tham gia thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Năm 1930, đồng chí dự hội nghị hợp nhất ba Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hương Cảng, Trung Quốc.
Sau hội nghị này, đồng chí thống nhất các tổ chức Cộng sản từ Khánh Hòa đến Cà Mau và được giao nhiệm vụ Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định- Chợ Lớn. Đồng chí đã chọn Đức Hòa, tỉnh Long An, làm địa bàn xây dựng cơ sở và gây dựng phong trào cách mạng. Ngày 4/6/1930, đồng chí Châu Văn Liêm trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình của hàng ngàn nông dân ở Đức Hòa, Long An và hy sinh trong lúc đấu tranh trực diện với kẻ thù.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Trần Việt Trường, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, hơn 90 năm trôi qua, tấm gương hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm vẫn mãi sáng ngời khí phách, nêu cao lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên trung với đất nước, bất khuất trước kẻ thù, vì sự nghiệp tự do, dân chủ và tiến bộ. Học tập, noi gương đồng chí Châu Văn Liêm và các thế hệ cách mạng tiền bối, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ đã quyết tâm, nỗ lực lập được nhiều thành tích xuất sắc; tích cực phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Ông Trần Việt Trường nhấn mạnh: "Những thành tựu đạt được trong thời gian qua là tiền đề, là nền tảng quan trọng, tạo đà cho TP Cần Thơ bứt phá phát triển nhanh và bền vững, trở thành “Đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long” như mục tiêu Nghị quyết số 59 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị đã đề ra, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước. Những thành tựu thành phố Cần Thơ đã đạt được, cũng là món quà quý báu của quê hương Cần Thơ kính cáo đến vong linh đồng chí Châu Văn Liêm - bậc tiền bối của dân tộc Việt Nam nhân Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí"./.