Chiều 22/3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc tổ chức phiên họp trực tuyến với các đoàn đại biểu Quốc hội cả nước để chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận.
Đa số đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về các vấn đề: chất lượng GD-ĐT, chỉ tiêu cho các trường ĐH ngoài công lập, chấn chỉnh việc học thêm, dạy thêm…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết về chất lượng giáo dục hiện nay và giải pháp để khắc phục tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, quy mô đào tạo còn yếu kém (Ảnh: NLĐ) |
Nhiều ngành nghề thiếu hoặc bão hòa
Trả lời những câu hỏi trên, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, trong những năm qua, ngành GD luôn cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của đất nước. Bộ GD-ĐT đã có những biện pháp để cải tiến chất lượng giáo dục thông qua những phong trào: “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… cũng như đưa ra các biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, chất lượng học tập của người học…
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn còn những bất cập, yếu kém và chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập với thế giới. Chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các tỉnh, thành phố lớn với các vùng, miền khó khăn vẫn còn giãn rộng, trình độ giáo viên tại các địa phương còn chênh lệch…
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, chất lượng giáo dục là yếu tố ảnh hưởng lớn tới đội ngũ nguồn nhân lực của đất nước. Mặc dù đã có những cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển đất nước nhưng hiện nay, tại nhiều địa phương, sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm.
Một trong những nguyên nhân là do chất lượng giáo dục chưa tốt nên sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, đòi hỏi của doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT và các cơ quan, doanh nghiệp chưa chặt chẽ nên việc tìm kiếm việc làm cho sinh viên ra trường còn khó khăn. Ngành GD-ĐT còn lúng túng trong quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai. Ngoài ra, chất lượng đào tạo chưa tốt là do quy mô đào tạo còn yếu kém, nhiều ngành nghề thiếu hoặc bão hòa.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ nhanh chóng điều chỉnh lại quy hoạch các trường đại học, tính toán lại quy mô đào tạo theo hướng ưu tiên chất lượng, sắp xếp lại các ngành nghề mà xã hội đang cần cũng như có những giải pháp cụ thể hơn để nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương khó khăn.
Sẽ xử lý nghiêm trường ngoài công lập không đảm bảo chất lượng
Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có đơn kiến nghị lên Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ là không tuyển đủ số lượng sinh viên dẫn đến có thể trong những năm tới, hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập sẽ phải đóng cửa. Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai), Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) yêu cầu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích rõ thực trạng trên cũng như giải pháp của ngành GD-ĐT trong thời gian tới đối với việc đào tạo, tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào ngân sách Nhà nước và đẩy mạnh phong trào xã hội học tập, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương kêu gọi nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân đóng góp cho phát triển giáo dục. Do đó, nhiều trường ĐH ngoài công lập đã được thành lập. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhiều trường phản ánh là không tuyển đủ số lượng sinh viên theo học.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do một số trường không đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không đạt chuẩn như trường đăng ký ban đầu. Do đó, các trường đã không tạo được niềm tin của phụ huynh và người học nên số lượng thí sinh đăng ký vào trường ít hoặc giảm.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, Bộ GD-ĐT luôn khuyến khích các đơn vị, cá nhân đóng góp, ủng hộc cho sự phát triển giáo dục như thành lập trường học ngoài công lập. Tuy nhiên, việc thành lập trường phải dựa trên nguyên tắc lấy chất lượng đào tạo làm yếu tố then chốt.
Bộ GD-ĐT kêu gọi các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập như: tự chủ trong tuyển sinh, tài chính và tự chịu trách nhiệm. Các trường phải tự chịu trách nhiệm với những gì mà mình đã đào tạo và phải sẵn sàng chịu sự “sàng lọc” nếu không đảm bảo chất lượng.
Sau những đợt thanh tra, Bộ GD-ĐT thấy những trường nào không đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn cho phép sẽ có những biện pháp xử lý, tùy theo mức độ khác nhau như: cảnh cáo, cắt giảm chỉ tiêu, đình chỉ hoạt động…
“Những trường ngoài công lập không đảm bảo chất lượng, mất đoàn kết, tranh giành quyền lợi sẽ bị xử lý nghiêm”- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Chương trình giảng dạy quá tải là một trong những nguyên nhân khiến dạy thêm-học thêm tràn lan (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Dân trí) |
Chương trình quá tải dẫn đến dạy thêm-học thêm tràn lan
Việc dạy thêm-học thêm tràn lan, khó kiểm soát đã ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của giáo viên và sức khỏe của học sinh. Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định), Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu rõ những giải pháp để giải quyết tốt hơn tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan như hiện nay.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc dạy thêm-học thêm tràn lan là do chương trình giảng dạy còn quá nặng, dẫn đến nhiều gia đình nghĩ rằng cần phải cho con đi học thêm để bổ sung kiến thức.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc giảm tải chương trình học, sắp xếp lại nội dung chương trình sách giáo khoa sao cho phù hợp với các cấp, bậc học.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ kiểm tra việc giảng dạy ngoài giờ tại các địa phương và lắng nghe ý kiến đóng góp cũng như kiến nghị của các địa phương để khắc phục tình trạng học thêm-dạy thêm tràn lan.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng làm rõ các vấn đề liên quan đến đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; sự xuống cấp của đạo đức học đường, giải pháp kiếm soát chất lượng sách tham khảo…
Trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận được 37 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, Bộ trưởng đã trực tiếp trả lời chất vấn 23 câu hỏi./.