Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh điều này khi báo cáo giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về kinh tế- xã hội (KT-XH), sáng 3/11.
Ông Nguyễn Xuân cho biết, chúng ta đang cố gắng vận hành nền nông nghiệp theo hướng tạo sản phẩm sạch. Năm 2016, Quốc hội chất vấn 2 điều lớn là đầu vào sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Lúc đó Việt Nam cần trên 10 triệu tấn và chủ yếu phân vô cơ, thì một tin vui đến nay, sau kết quả giám sát của Quốc hội, lỷ lệ phân hữu cơ đã tăng lên, đạt gần 4 triệu tấn. Đây là xu hướng rất tích cực. 710 nhà máy sản xuất phân bón được duy trì mà không tăng thêm nhà máy nào để quản lý chất lượng.
Cùng với đó, với 243.000ha canh tác ở 45 tỉnh sản xuất theo hướng hữu cơ thì năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 235 triệu USD nông sản hữu cơ, thể hiện quyết tâm chung của cả hệ thống. Nếu như trước đây, mỗi năm nhập 120.000 tấn thuốc hoá học về bảo vệ thực vật thì năm 2019 còn 75.000 tấn, trong đó 20% là thuốc sinh học.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận còn nhiều hạn chế và tới đây cần tiếp tục hoàn chỉnh hơn từ thể chế, chế tài và hướng dẫn tốt hơn để nông nghiệp phát triển đúng hướng, bền vững.
Liên quan đến vấn đề rừng, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay chúng ta có tổng diện tích 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 ha và rừng trồng 4,3 triệu ha, độ che phủ gần 42% (thế giới bình quân 29%) là cố gắng vượt bậc cả hệ thống chính trị và toàn dân vì năm 1990, nước ta chỉ có 9 triệu ha rừng, hệ số che phủ 27 %. Việt Nam cũng sản xuất 30 triệu m3 nguyên liệu, hơn 4.600 doanh nghiệp hoạt động và đóng góp xuất khẩu lâm sản đạt 13 tỷ USD.
Đối với rừng tự nhiên, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ luôn có chính sách quan tâm, nhất là về chi trả dịch vụ môi trường rừng để người dân giữ rừng.
“Ngày 20/10/2020, Việt Nam chính thức ký với đối tác bán được hơn 10 triệu tấn CO2 (giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ- PV). Thế giới thừa nhận Việt Nam tham gia sự phát triển bền vững” – ông Nguyễn Xuân Cường thông tin, song cũng nhấn mạnh, 30 năm phát triển rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa mà phải từng bước mới.
Về chống xâm nhập mặn và chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở ĐBSCL, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là thách thức chung, song một tin vui là từ chỗ phát triển theo hướng nặng khai thác tự nhiên đã dần sang thích ứng thuận thiên. Trong 1,8 triệu ha đất lúa đã chuyển 400.000 ha sang nuôi trồng thuỷ sản và cây ăn quả, tăng lượng xuất khẩu ở khu vực này và là bước tiến lớn ở ĐBSCL.
Cùng với đó là tái cơ cấu lại từng khu vực một, chính vì vậy năm vừa rồi, trước hạn, mặn nhưng Chính phủ chỉ đạo từ rất sớm nên 2019 chúng ta vẫn “né được một phần”, đảm bảo sản lượng cao vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, vụ Thu Đông với 7000 ha ở ven biển do mưa nhiều nên mất mùa. Do đó phải tái cơ cấu từng bước một.
“Một mặt tái cơ cấu theo hướng thích ứng, căn cứ thị trường, nguồn nước để bố trí cơ cấu sản xuất. Thuỷ sản là trên hết, cây ăn quả là thế mạnh, lúa gạo cơ cấu lại cùng với áp dụng KHCN, kinh nghiệm dân gian để làm sao Thuỷ Tinh dâng đến đâu thì Sơn Tinh dâng đến đấy” – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nói./.