Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến để báo cáo UBTVQH trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật bám sát yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ lựa chọn trình Quốc hội một số quy định đang gây vướng mắc, cản trở cần sửa đổi, bổ sung ngay; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương và nội dung sửa đổi phải rõ ràng, độc lập nhất định để có thể kế thừa khi sửa toàn diện các luật sau này.
Tránh lợi dụng chính sách làm ảnh hưởng tới di sản
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn và đề nghị thận trọng khi sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 32 để phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, bổ sung điểm g vào khoản 3 Điều 33 quy định về nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư gồm “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”.
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, Luật di sản văn hoá quy định việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đối với di tích cấp tỉnh phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Do đó, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh là phù hợp, thống nhất trong hệ luật.
Để tránh lợi dụng chính sách làm ảnh hưởng tới di sản, Chính phủ quy định bổ sung việc thẩm định sự phù hợp của dự án, sẽ phải tuân thủ các yêu cầu, điều kiện và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
“Quy định này tạo cơ chế để tăng cường giám sát, kiểm tra khi phân cấp, đảm bảo các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa có ý kiến đối với dự án ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, tránh triển khai rồi mới xin ý kiến” – ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Hàng trăm dự án nhà ở thương mại đang ách tắc
Liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, nội dung quy định về hình thức sử dụng đất phát sinh vướng mắc trong thời gian dài, tạo ra phân biệt đối xử với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất mà không có đất ở hay một phần đất ở thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư, gây lãng phí đất đai, thiếu hụt nhà ở khiến giá nhà cao lên. Hiện hàng trăm dự án nhà ở thương mại ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương... đang ách tắc.
Chính phủ đề xuất là quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong 3 trường hợp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.
Đồng thời, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, tránh lợi dụng chính sách, dự thảo Luật quy định loại trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tán thành với các ý kiến đánh giá đây là vấn đề rất lớn, rất khó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu không giải quyết sẽ không khơi thông nguồn lực đầu tư nhưng không thận trọng, chặt chẽ sẽ gây hậu quả. Do đó cần nghiên cứu đánh giá thận trọng, hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Trên cơ sở thảo luận của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nêu 2 phương án: Phương án 1 như tờ trình của Chính phủ, với việc rà soát chặt chẽ quy định chuyển mục đích sử dụng đất; định giá tiền phải nộp cho ngân sách khi chuyển. Phương án 2 theo Ủy ban Pháp luật là xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022./.