Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và nhân dân hai nước đang tiếp tục phát triển tích cực. Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng hai bên vẫn duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, cũng như ở các cấp dưới nhiều hình thức linh hoạt, đặc biệt là hỗ trợ lẫn nhau kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời đã nối lại đường bay thương mại trực tiếp, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch song phương.
Để góp phần tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để triển khai hiệu quả các hiệp định và thỏa thuận giữa hai nước, trong đó có các kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia vừa qua của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; chuẩn bị phục vụ tốt các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022.
Hai Bộ trưởng nhất trí tăng cường phối hợp, tích cực triển khai thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước đối với công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia, trong đó tổ chức thực hiện hiệu quả hai văn kiện pháp lý ký năm 2019 và tổ chức quản lý tốt khoảng 84% đã hoàn thành phân giới cắm mốc; tiếp tục tiến hành đàm phán phân giới cắm mốc 16% còn lại.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng bày tỏ cảm ơn và đề nghị phía Campuchia tiếp tục phối hợp giải quyết vấn đề giấy tờ pháp lý cho người gốc Việt ở Campuchia, cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh khác trên tinh thần hữu nghị và hợp tác.
Hai bên đánh giá cao hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố đoàn kết, đồng thuận, uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam ủng hộ Campuchia trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022, sẵn sàng cùng Campuchia và các nước ASEAN khác thúc đẩy triển khai các chương trình nghị sự của ASEAN, trong đó có thúc đẩy thực hiện đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, bảo đảm tự do và an toàn hàng hải, hàng không; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thúc đẩy đàm phán và phấn đấu đạt COC hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đã tới chào Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và Thủ tướng Hun Sen./.