“Thanh Hóa cần tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động sáng tạo và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người dân. Như lời Bác Hồ đã từng căn dặn khi về thăm Thanh Hóa, tỉnh muốn trở thành tỉnh kiểu mẫu nhất định được vì người đông của cải nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển, sắp đặt”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho ý kiến vào Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra chiều nay (17/7) tại Trụ sở Trung ương Đảng.
Sau 10 năm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đến nay, kinh tế Thanh Hóa tăng trưởng nhanh, đột phá và khá bền vững, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, chất lượng tăng trưởng được cải thiện.
Năm nay quy mô nền kinh tế của tỉnh lớn hơn gấp hơn 4,5 lần so với năm 2010. GRDP bình quân đầu người năm nay ước đạt 2.670 USD, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhất là ở các huyện miền núi. Hơn 60.000 lao động được giải quyết việc làm trung bình mỗi năm, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Chính trị xã hội ổn định quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế xã hội phát triển. Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ sáng tạo, đạt được nhiều kết quả, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền được nâng lên…
Mặc dù vậy so với tiềm năng và lợi thế của địa phương, tỉnh Thanh Hóa cũng nhìn nhận còn một số mặt còn tồn tại hạn chế như năng suất lao động xã hội còn thấp so với bình quân chung của cả nước, vần còn dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường; tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Dịch vụ giá trị gia tăng cao phát triển chưa mạnh, sản phẩm du lịch đơn điệu, chất lượng chưa cao, xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng hóa gia công, sản phẩm thô giá trị thấp...
Tại buổi làm việc, tập thể Bộ Chính trị đã cho ý kiến đánh giá về sự chuẩn bị Đề án, tình hình phát triển của tỉnh trong 10 năm qua, phân tích dự báo bối cảnh phát triển mới của Thanh Hóa, chỉ ra những thời cơ, thuận lợi để tỉnh tranh thủ thời cơ, khắc phục những khó khăn, thách thức từ đó xác định quan điểm mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu xây dựng phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, chúc mừng những kết quả Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và 12, tuy nhiên, tỉnh cũng không được chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị nhất trí cho rằng, Thanh Hoá là tỉnh có vị trí chiến lược về kinh tế xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của Tổ quốc, có vai trò kết nối vùng đồng Bằng Sông Hồng, Tây Tây Bắc với Bắc Trung Bộ và nước bạn Lào. Chính vì vậy, Thanh Hoá cần phải phát huy ở mức cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển nhanh, đột phá và bền vững như lời Bác Hồ lúc sinh thời đã từng căn dặn khi về thăm và làm việc tại địa phương.
"Tại sao Bác lại bảo được, tại sao bảo Thanh Hoá sẽ trở thành tỉnh kiểu mẫu là vì vị trí của Thanh Hoá rất quan trọng, cho nên Thanh Hoá không thể thua kém các tỉnh khác được. Và nhất định được là vì sao Bác chỉ nói nôm na vì của cải nhiều, dân đông, Bác nói tính khái quát cao lắm, nếu phân tích ra thì Thanh Hoá nằm ở khu vực nếu không phải thế Rồng cuộn Hổ ngồi thì cũng có nhiều thuận lợi có rừng có núi có biển có đồng bằng, thì kinh tế phải phát triển được", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Thanh Hoá nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người dân Thanh Hoá.
"Chính vì thế sắp tới tôi đề nghị khi tỉnh chuẩn bị văn kiện cũng phải phân tích cái này, cố gắng phải nêu cao tinh thần nỗ lực quyết tâm không cam chịu đói nghèo, không cam chịu thua kém người khác, phát huy tối đa thế mạnh của mình xây dựng cho được chiến lược phát triển một quy hoạch tổng hợp, phải xây dựng một tinh thần tự hào với quê hương đoàn kết đồng lòng chịu thương chịu khó, chủ trương phải đúng, cơ chế chính sách phải mạnh, chúng ta phải khơi dậy tinh thần này chứ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Sau khi phân tích rõ những thời cơ thuận lợi, thách thức chung của cả nước và của địa phương, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Thanh Hoá cần phải rà soát, cập nhật tình hình, tăng cường công tác phân tích, dự báo khả năng có thể xảy ra để xác định cho đúng sát hợp nhất với các mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Thanh Hoá cần phải phấn đấu trở thành một trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ, tiến tới trở thành một cực tăng trưởng mới trong vùng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, Thanh Hoá không phải là không có điều kiện, mà có nhưng không biết khai thác, chưa phát huy. Vướng đâu đề nghị đấy, vướng cơ chế chính sách thì suy nghĩ về cơ chế chính sách phát huy đội ngũ trí thức tại chỗ đưa ra những sáng kiến để triển khai. "Bác Hồ nói sâu sắc lắm chỉ thiếu sự điều khiển và sắp đặt", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước liên hệ
Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt của Thanh Hoá, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giao Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiêm túc nghiên cứu giải quyết các đề xuất của tỉnh./.