Tháng 7/2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022-2026. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định về quy định chính sách khuyến khích người chăn nuôi. Chính sách này hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi gà thả đồi; hỗ trợ 50% chi phí con giống cho 2 lứa nuôi trong năm, hỗ trợ 2 năm liên tục, tối đa không quá 6.000 đồng/con giống. Các cơ sở chăn nuôi được nhận hỗ trợ phải đảm bảo quy mô chăn nuôi tối thiểu 3.000 con gà thịt cho một lứa nuôi; có điều kiện xây dựng chuồng nuôi đảm bảo an toàn sinh học và diện tích đồi để thả gà tối thiểu 1.500m2…

Thực tế qua 2 năm triển khai, số hộ dân đăng ký tham gia chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, năm 2023, huyện Hoài Ân có 6 hộ tham gia, tổng đàn 36.200 con và được UBND tỉnh Bình Định cấp kinh phí hơn 211 triệu đồng hỗ trợ người chăn nuôi. Đầu năm 2024 đến nay, các huyện Tây Sơn, Hoài Ân có 14 hộ đăng ký tham gia với 126.000 con gà, kinh phí dự kiến hỗ trợ hơn 750 triệu đồng.

Ông Trần Văn Trung (38 tuổi), trú thôn An Chiểu, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân - một hộ dân được hưởng chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi cho biết, chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi rất hợp lý, tuy nhiên điều kiện để bà con tiếp cận còn khó khăn do quy mô đàn gà quá lớn, nông dân vùng quê không có điều kiện đầu tư

“Một năm chuồng trại của tôi nuôi được 3 lứa Nhà nước hỗ trợ 2 lứa, ít nhiều vậy thôi chứ một năm nuôi 40.000 con thì hỗ trợ về con giống để người dân tự tin phát triển sản xuất. Chính sách này nếu được nhân rộng càng tốt". Ông Trung nói.

 Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, có nhiều yếu tố như: thời tiết không thuận lợi, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, giá gà duy trì ở mức thấp và kéo dài từ cuối năm 2022 đến tháng 5/2023, chăn nuôi không có lãi nên người chăn nuôi ngại tái đàn, chưa mạnh dạn đầu tư chuồng trại để đảm bảo điều kiện thụ hưởng chính sách.

Trong quá trình triển khai chính sách tại các địa phương, một số hộ gặp khó khăn, vướng mắc về đất đai khi xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên đồi; một số hộ dân không đủ năng lực tài chính, đất đai không đủ tham gia. 

“Nuôi gà thả đồi cần xây dựng nhà tạm. Cái nhà này để giữ đàn gà lúc ấp giai đoạn đầu và khi thời tiết bất lợi gà vào tránh trú, còn bình thường gà sinh sống ở vườn đồi. Diện tích nuôi gà thả đồi hiện nay chủ yếu là rừng sản xuất, chúng ta thực hiện theo Luật Lâm nghiệp thì phải chuyển đổi rất là phức tạp. Căn nhà tạm thì cho người dân làm, tranh thủ những diện tích nào mà có khả năng sử dụng thì làm. Nhiều địa phương họ sợ cho nên rất khó triển khai”. Ông Trần Văn Phúc cho biết thêm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành 10 nghị quyết về các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Một số nghị quyết như: Chính sách hỗ trợ kiên cố kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021-2025; Ban hành quy định nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển đàn bò thịt chất lượng cao tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025; Chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ giai đoạn 2021-2025 đã đi vào cuộc sống, giúp người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp. Những nghị quyết triển khai hiệu quả có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan Nhà nước, người dân dễ tiếp cận.  

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, việc đưa nghị quyết về các chính sách hỗ trợ về lĩnh vực nông nghiệp vào thực tiễn đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí một vài chính sách chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân chính dẫn đến các tồn tại này là trong quá trình nghiên cứu đề xuất, tham mưu ban hành chính sách chưa nghiên cứu kỹ càng. 

“Bản chất là chính sách triển khai chưa tới người dân. Trách nhiệm triển khai chính sách, hướng dẫn chuyên ngành là các sở ngành, nhưng tổ chức thực hiện dưới cơ sở là chính quyền địa phương. Việc thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện, thiếu sơ kết, tổng kết đánh giá cũng là những vấn đề khiến việc triền khai các nghị quyết chưa hiệu quả. Chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá từng chính sách một để khắc phục tình trạng này. Chính sách ban hành ra thì cả Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương cùng vào cuộc thực hiện. UBND tỉnh Bình Định sẽ mổ xẻ vấn để này để đánh giá đúng thực tế, làm rõ trách nhiệm để chúng ta thực hiện”. Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định nhận định, nhiều nghị quyết về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được ban hành chưa đi vào cuộc sống do thiếu sơ kết, đánh giá và chưa kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Để thực hiện tốt các nghị quyết đã ban hành, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định đổi mới hoạt động, tổ chức các phiên giải trình từng lĩnh vực. Các phiên giải trình nhằm kiểm điểm lại việc thực hiện chủ trương, nghị quyết mà Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra. Từ các phiên giải trình đánh giá những việc làm được, những vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ, kịp thời điều chỉnh những chính sách khi không còn phù hợp với thực tiễn.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Bình Định, các sở, ngành địa phương đánh giá lại hiệu quả của từng chính sách, mỗi chính sách phải gắn với mục tiêu những năm tiếp theo. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định và các địa phương phải soi xét điều chỉnh lại các chính sách đã ban hành theo hướng đủ mạnh để khuyến khích cả người dân và doanh nghiệp tham gia.

“Chúng ta phải thay đổi cách triển khai thực hiện các chính sách và cơ chế của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định phải tổ chức một hội nghị thực hiện các nghị quyết, phân công trách nhiệm của ai, làm gì, địa phương người ta phải nắm được. Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành ra nghị quyết nhiều khi các đồng chí mang về cất. Thời gian qua có những nghị quyết UBND tỉnh ban hành quyết định và các văn bản tiếp theo, có những nghị quyết các đồng chí giữ nguyên đưa xuống huyện, xã và không nói cách thức tổ chức, triển khai thực hiện, nguồn lực vận động. Chúng ta phải tuyên truyền để các chính sách đi vào cuộc sống để cho các đối tượng thụ hưởng người ta biết” -ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.